Kinh nghiệm phát triển của các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á
Mới đây, một loạt công ty công nghệ hàng đầu Đông Nam Á đã bày tỏ ý định chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở nước ngoài, trong đó tập đoàn GoTo của Indonesia là trường hợp mới nhất.
Chiến lược thu hút các quỹ đầu tư lớn ở ngoại quốc, sau đó từng bước thâm nhập vào thị trường địa phương tại đó đang được ngày càng nhiều các công ty non trẻ tận dụng. Trước GoTo, “gã khổng lồ” cung cấp dịch vụ gọi xe Grab có trụ sở tại Singapore đã công bố kế hoạch IPO tại Mỹ vào cuối năm nay, thông qua việc sáp nhập với công ty đầu tư mạo hiểm Altimeter Growth.
Tập đoàn GoTo ra đời từ thỏa thuận sáp nhập giữa ứng dụng gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia với mục đích IPO tại hai thị trường chứng khoán Mỹ và Indonesia.
Cả Gojek, Tokopedia và Grab mới chỉ hoạt động được khoảng 10 năm. Tuy nhiên, giá trị tại thời điểm niêm yết của Grab ước tính đạt gần 40 tỷ USD và GoTo dự kiến cũng sẽ có giá trị tương đương.
Con số này lớn gấp đôi quy mô của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Nhật Bản Rakuten Group. Xu hướng sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi của người dùng được cho là chìa khóa giúp các công ty khởi nghiệp công nghệ Đông Nam Á lớn mạnh vượt bậc trong những năm gần đây. Điều này cho phép họ phát triển và cung cấp các dịch vụ sáng tạo nhằm hỗ trợ lĩnh vực tài chính và giao thông công cộng, vốn đang được đánh giá là kém phát triển trong khu vực.
Trong khi đó, với nền tảng dân số hơn 650 triệu người ở Đông Nam Á, tiềm năng của các công ty khởi nghiệp trong khu vực được đánh giá là rất tích cực.
Mặc dù Grab và các công ty khởi nghiệp công nghệ khác vẫn cần tìm cách vừa phát triển về quy mô vừa tạo ra lợi nhuận, vì họ vẫn ở trong tình trạng thua lỗ. Tuy nhiên, những gì những công ty này đang làm có thể được coi như một ví dụ cho các doanh nhân ở khu vực khác của châu Á, chẳng hạn như ở Nhật Bản, nơi khu vực tư nhân đang gặp khó khăn về phát triển về quy mô.
Đầu tiên, các công ty cần đảm bảo rằng họ thu hút được dòng tiền từ khắp nơi trên thế giới. Grab và Gojek đã huy động được một lượng tiền khổng lồ từ các quỹ liên kết của công ty viễn thông đa quốc gia SoftBank, trong khi các công ty lớn ở nước ngoài như Google cũng sẵn sàng chấp nhận rủi ro để đổi lấy lợi nhuận cao.
Các công ty khởi nghiệp sau đó phân bổ nguồn vốn này đến các lĩnh vực kinh doanh có tốc độ tăng trưởng cao - một động thái có thể giúp họ chiếm lĩnh thị phần cao.
Thứ hai mục tiêu là bản địa hóa các dịch vụ. Các công ty khởi nghiệp trẻ đang nỗ lực đáng kể để đáp ứng một cách tỉ mỉ các nhu cầu của thị trường địa phương. Điều này cho phép họ xây dựng một hệ sinh thái kỹ thuật số riêng nhằm tránh cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ khổng lồ như Amazon.com.
Ví dụ, Grab đã trở nên không thể thiếu ở Đông Nam Á bằng cách mở rộng các dịch vụ từ đặt xe đến giao đồ ăn và thanh toán trực tuyến.
Thứ ba là sự kết hợp các doanh nghiệp để mở đường cho các dịch vụ mới. Ví dụ đặc trưng nhất của điều kiện này là thỏa thuận hợp nhất giữa hai “gã khổng lồ” Gojek và Tokopedia của Indonesia.
Sự kết hợp của họ nhằm mục đích tạo ra một doanh nghiệp độc nhất mà ở đó những người lái xe có thể kiêm luôn việc giao hàng trực tuyến.
Các chuyên gia cho rằng để thổi một làn gió mới vào nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp cần những bước đi đột phá. Các công ty khởi nghiệp với mô hình kinh doanh có tầm nhìn xa và có sự hỗ trợ về tài chính đóng một vai trò quan trọng trên toàn châu Á, đặc biệt là ở các quốc gia như Nhật Bản, nơi nhiều tập đoàn lớn đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn giữa tăng trưởng thấp và đi lùi. Do vậy, các công ty cần suy nghĩ thấu đáo và nắm bắt cơ hội.