Kinh tế Trung Quốc có thực sự "tệ" như GDP đang phản ánh?
Đừng nhìn vào GDP của Trung Quốc!
Nhiều nhà phân tích tại Barron cho hay những dữ liệu tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất trong 27 năm qua được công bố hôm Thứ Hai chỉ là “tin cũ”, và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi trừng phạt thuế quan như ông Trump đánh giá.
Hôm 15.7, dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy tăng trưởng GDP Trung Quốc quý II.2019 chỉ đạt 6,2%, mức tăng chậm nhất trong 27 năm qua. Con số này giảm rõ rệt so với mức tăng trưởng năm 2018 là 6,6% và quý I.2019 là 6,4%. Nhiều bình luận viện dẫn xung đột thương mại và trừng phạt thuế quan để giải thích cho sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Tổng thống Trump sau đó cũng đăng tải trên Twitter, khẳng định dữ liệu kinh tế xấu đi là nguyên nhân khiến Trung Quốc giờ đây mong chờ một thỏa thuận thương mại hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên sau đó, các nhà phân tích tại Barron đã chỉ ra rằng số liệu giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc vừa qua chỉ là "tin cũ", không phản ánh đúng thực trạng kinh tế nước này. Những báo cáo liên quan đến kết quả sản xuất công nghiệp, bán lẻ, tiêu dùng đều cho thấy tỷ suất lợi nhuận cao. Sản lượng công nghiệp Trung Quốc trong quý II đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn nhiều tốc độ tăng 5,3% trong quý I. Đây được xem là cú hích lớn, theo nhà kinh tế Carl B. Weinberg.
Cùng với đó, doanh số bán lẻ trong tháng 6 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mức tăng 8,6% trong tháng 5, nhờ doanh số bán ô tô tăng vọt. Dù cho lạm phát tiêu dùng lên cao do giá thực phẩm tăng và ảnh hưởng từ dịch tả lợn Châu Phi, đây vẫn là con số ấn tượng với các nhà kinh tế.
So sánh các số liệu, nhiều chuyên gia phân tích tin tưởng hơn ở những sự tăng trưởng tích cực của kinh tế Trung Quốc thể hiện qua chỉ số tiêu dùng và sản xuất hàng tháng thay vì con số GDP quý II “lạc hậu”.
Kinh tế Trung Quốc thực chất không tệ như con số GDP phản ánh
“Nhiều người đem sự sụt giảm nhu cầu dầu diesel ra làm bằng chứng nền kinh tế Trung Quốc trượt dốc, cùng với các dữ liệu GDP gần đây. Nhưng tôi muốn chỉ ra rằng, Trung Quốc đang chuyển mạnh từ sử dụng dầu diesel tốn kém và gây ô nhiễm sang các loại năng lượng sạch và tiết kiệm hơn. Như vậy, sự sụt giảm nhu cầu dầu diesel là tích cực chứ không phải tiêu cực.” - ông David P. Goldman, một chuyên gia kỳ cựu tại phố Wall chỉ ra trong một bài phỏng vấn đang trên tờ Asia Times.
Ông đồng thời chỉ ra rằng trừng phạt thuế quan 25% với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc có vẻ lớn nhưng thực chất, xuất khẩu sang Mỹ chỉ chiếm 5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc, có nghĩa là một phần giá trị rất thấp bị ảnh hưởng.
Không thể phủ nhận Bắc Kinh đã phải nỗ lực loại bỏ tác động mà xung đột thương mại gây ra với nền kinh tế Trung Quốc, nhưng đó lại là một "tin cũ" khác. Doug Peta, chiến lược gia đầu tư tại BCA chỉ ra rằng các chính sách kinh tế của Trung Quốc đã chuyển từ hạn chế sang kích thích từ lâu, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED mới đây mới gợi ý về một chính sách tiền tệ nới lỏng. Dự đoán xu hướng cho nửa năm tiếp theo, Bộ Chính trị Trung Quốc nhiều khả năng sẽ giữ chính sách tiền tệ ổn định và không cần cắt giảm lãi suất thêm, vì nền kinh tế không cần trợ lực thêm nữa.
Các chỉ số chứng khoán quan trọng như Shanghai Composite hay Shenzhen Component đều tăng trưởng trở lại, vực dậy những thiệt hại hồi căng thẳng thương mại leo thang. Sức mạnh đồng NDT cũng tăng khi Mỹ và Trung Quốc đồng ý quay trở lại bàn đàm phán.
Rõ ràng, tình hình kinh tế Trung Quốc không “tệ” như người ta lầm tưởng, dù cho GDP có rớt xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ.
Trung Quốc có vội vã cho thỏa thuận thương mại?
Trên Twitter mới đây, ông Donald Trump mới đây cho rằng Trung Quốc đang vội vã cho một thỏa thuận với Mỹ, trong bối cảnh các công ty đang dần rời khỏi thị trường tỷ dân để tránh trừng phạt thuế quan. Nhưng Trung Quốc có thực sự đang thúc đẩy đàm phán thương mại?
Sự thật có vẻ không như vậy.
Trung Quốc chưa "xuống nước" trên bàn đàm phán như Trump nhận định
Bộ trưởng thương mại Trung Quốc Chung Sơn mới đây chia sẻ trên Nhân dân Nhật báo, rằng Trung Quốc cần giữ vững tinh thần đấu tranh, bảo vệ lợi ích quốc gia trên bàn đàm phán. Hồi tuần trước, Bắc Kinh và Washington đã nối lại các cuộc điện đàm để giải quyết xung đột kéo dài hơn một năm nay, trước cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu từ IMF.
Thậm chí, ông Chung Sơn còn cáo buộc Mỹ phải chịu trách nhiệm cho những căng thẳng thương mại leo thang trong thời gian vừa qua, điều gây tác động nặng nề đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Mỹ đã mở màn cho những tranh chấp thương mại bằng các hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO liên quan đến chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Chúng ta cần giữ vững vị thế của mình để bảo vệ đất nước cũng như hệ thống thương mại đa phương”.
Những bình luận của ông Chung Sơn trong bối cảnh GDP của Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong 27 năm rõ ràng không thể hiện sự “xuống nước” của Bắc Kinh. Thậm chí, Zhang Lifan, một nhà kinh tế tại Bắc Kinh còn dự đoán đây là động thái thể hiện xung đột thương mại với Mỹ có thể sẽ kéo dài, dù Trung Quốc đồng ý ngồi vào bàn đàm phán. “Có vẻ như Trung Quốc sẽ chờ xem điều gì sẽ diễn ra sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp tới”.
“Những người đang kỳ vọng vào diễn biến của đàm phán Mỹ Trung nên ngừng ảo tưởng. Sẽ không có một thỏa thuận nào đạt được trong thời gian ngắn, khi mà cả Bắc Kinh và Washington đều không nhượng bộ.” Scott Kennedy - nhà kinh tế học Mỹ nhận định.