Làm gì để thu thuế hoạt động kinh doanh trên Youtube, Facebook?
Theo số liệu từ Cục Thuế TP Hà Nội, qua rà soát, chỉ tính riêng hoạt động kinh doanh phần mềm, xây dựng cung cấp các trò chơi trên mạng, cơ quan này xác định có hơn 1.100 cá nhân tham gia với tổng doanh thu trong 3 năm (2017-2019) lên tới 4.800 tỷ đồng.
Trong đó, riêng một người có thu nhập lên tới 140 tỷ đồng từ các hoạt động nêu trên. Cũng theo thông tin từ Cục Thuế Hà Nội, trong năm 2019, cơ quan này đã xử lý trên 30 trường hợp không nộp thuế với tổng số tiền truy thu 18 tỷ đồng.
Đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), đại diện Cục Thuế Hà Nội thông tin thêm, Thông tư 92 năm 2015 của Bộ Tài chính đã quy định rõ các cá nhân có thu nhập từ kinh doanh mà doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải nộp thuế.
Cụ thể, các cá nhân có thu nhập từ các trang mạng xã hội như Facebook, Google, YouTube phải khai nộp thuế theo tỉ lệ 5% giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân.
Đối với trường hợp không kê khai và nộp thuế theo quy định được coi là hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Chế tài xử lý là người nộp thuế sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1 đến 3 lần số tiền trốn thuế.
"Hạn kê khai và nộp thuế là trong vòng 30 ngày, từ nay đến cuối tháng 7. Trường hợp cá nhân nào cố tình không kê khai và nộp thuế thì cơ quan thuế Hà Nội sẽ có những biện pháp cưỡng chế để truy thu thuế phải nộp qua ngân hàng theo đúng quy định", đại diện Cục Thuế Hà Nội thông tin.
Tuy đã có quy định cụ thể về việc đóng thuế đối với hoạt động kinh doanh online, tuy nhiên, theo nhận định của của giới chuyên môn, hoạt động này sẽ tương đối khó.
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính) nhận định, cơ quan thuế không thể kiểm tra, giám sát thường xuyên các hoạt động kinh doanh trên các mạng do đó việc thu thuế sẽ gặp nhiều khó khăn.
"Việc kiểm tra giám sát phải thường xuyên, liên tục nhưng với kinh doanh qua mạng thì rất khó vì một chủ thể kinh doanh có thể lập nhiều tài khoản trên các mạng khác nhau để kinh doanh. Do đó, việc kiểm tra, giám sát rất khó", ông Thịnh phân tích.
Cũng theo đánh giá từ ông Thịnh, nguyên nhân của tình trạng trên còn nằm ở chỗ, thời gian qua, sự phối hợp giữa cơ quan thuế với các ngân hàng và nhà mạng vẫn chưa chặt chẽ. Ngoài ra, do chế tài xử phạt chưa nghiêm dẫn đến thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh qua mạng.
"Nếu các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên mạng nhưng không kê khai thì cần có cơ chế phạt, thậm chí phạt thật nặng như cấm kinh doanh hoặc phạt tiền với mức cao để buộc họ phải thực thi đúng quy định của pháp luật", ông Thịnh đề xuất.
Về cơ sở pháp lý cần biết đối với các cá nhân tham gia kinh doanh online, đại diện Cty Luật Minh Khuê thông tin thêm, hiện tại, Thông tư 92/2015/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, Thông tư trên còn hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế thu nhập cá nhân quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế 71/2014/QH13 và Nghị định 12/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Bên cạnh đó, còn có Nghị định 139/2016/NĐ-CP hướng dẫn về lệ phí môn bài.
"Căn cứ quy định của pháp luật, cá nhân bán hàng online sẽ phải nộp ba loại thuế khi bán hàng online gồm: Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và lệ phí môn bài", đại diện Cty Luật Minh Khuê cho biết.