Lạm phát không phải rủi ro duy nhất với đà phục hồi kinh tế

10/03/2021 13:07 GMT+7
Sau một năm nền kinh tế toàn cầu “tê liệt” vì cuộc khủng hoảng đại dịch, tin tốt cuối cùng cũng đến. Triển vọng kinh tế ngày một sáng sủa, theo đánh giá của các nhà phân tích từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD.

Hôm 9/3, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD đã tuyên bố nâng cấp dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu trong bối cảnh các quốc gia bắt đầu triển khai vắc xin Covid-19 cũng như hàng loạt gói cứu trợ, kích thích từ các chính phủ. “Triển vọng kinh tế đã được cải thiện rõ rệt trong những tháng gần đây” - OECD cho hay.

Cơ quan này dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ ghi nhận mức tăng trưởng 5,6% trong năm 2021, tăng từ mức 4,6% được dự báo hồi tháng 12/2020.

Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, tăng mạnh từ mức 3,5% trong ước tính hồi cuối năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do những tác động mạnh mẽ của gói kích thích tài khóa trị giá 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Joe Biden khởi xướng.

Tuy nhiên, OECD cảnh báo tình trạng bất ổn và nhiều yếu tố không chắc chắn khác xoay quanh các biến chủng và nguy cơ bùng phát đại dịch có thể đe dọa đà phục hồi của nền kinh tế.

Lạm phát không phải rủi ro duy nhất với đà phục hồi kinh tế - Ảnh 1.

OECD: nợ nần sẽ là rủi ro lớn đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu

Ví dụ, thị trường hiện đang quan ngại rằng các gói kích thích khổng lồ và đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có nguy cơ gây ra lạm phát trong năm nay, buộc các ngân hàng Trung Ương phải tăng lãi suất hoặc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến.

OECD chỉ ra rằng đà phục hồi nhanh chóng, đặc biệt tại Trung Quốc, đang thúc đẩy giá lương thực và kim loại lên cao, trong khi giá dầu cũng phục hồi mạnh mẽ. Nhưng tổ chức này nhận định các nhà hoạch định chính sách sẽ vẫn duy trì các kích thích cần thiết với nền kinh tế ngay cả khi lạm phát vượt mức mục tiêu. 

Theo OECD, nguy cơ lạm phát không phải mối quan ngại duy nhất với nền kinh tế. Cơ quan này cho rằng các chiến dịch tiêm chủng với tốc độ không đồng đều trên toàn cầu và mối đe dọa từ các biến chủng virus kháng vắc xin vẫn là nguy cơ lớn.

“Tiến độ chậm trong triển khai vắc xin và sự xuất hiện các biến chủng virus mới kháng lại vắc xin hiện có sẽ đe dọa đà phục hồi yếu hơn, tỷ lệ thất nghiệp lớn hơn và nhiều vụ phá sản hơn”.

Báo cáo của OECD cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chính phủ duy trì những kích thích, hỗ trợ ngay cả khi điều kiện kinh tế bắt đầu sáng sủa hơn.

Điều này tương tự như những gì Chủ tịch FED Jerome Powell tuyên bố trong cuộc họp báo hôm 4/3, rằng áp lực tăng giá có thể xảy ra khi nền kinh tế mở cửa trở lại, nhưng ông kỳ vọng Ngân hàng Trung Ương sẽ kiên nhẫn với chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại ngay cả khi “lạm phát tăng tạm thời”. Charalambos Pissouros, nhà phân tích thị trường cấp cao tại JFD Bank cũng cho rằng FED sẵn sàng để lạm phát vượt qua mức mục tiêu 2% trong ngắn hạn với hy vọng ổn định hơn nữa môi trường kinh tế. Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde cũng đồng quan điểm khi cho rằng cần phải tránh thắt chặt chính sách tài khóa quá sớm.

Một nỗi lo khác mà OECD cảnh báo là mức nợ cao ở các nền kinh tế, đặc biệt là gánh nặng nợ của doanh nghiệp. Dù lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục, nợ doanh nghiệp tại các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc hiện có xu hướng cao hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy vậy, OECD vẫn nghiêng về kỳ vọng tăng trưởng kinh tế bùng nổ trong những tháng tới, khi chương trình tiêm chủng vắc xin được triển khai rộng rãi trên toàn cầu mang đến tiềm năng mở cửa biên giới, bình thường hóa hoạt động thương mại và du lịch.


NTTD
Cùng chuyên mục