Mua vàng hay bitcoin khi nền kinh tế "thoát bão" đại dịch?
Việc thị trường quan ngại về lạm phát khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ hậu đại dịch đáng lẽ đã trở thành tin tốt cho vàng, một tài sản trú ấn an toàn thường được các nhà đầu tư tin tưởng. Nguyên nhân dễ hiểu, vì các ngân hàng Trung Ương luôn có thể in thêm tiền, còn các thợ mỏ không thể khai thác vàng một cách dễ dàng như thế.
Nhưng vàng gần đây đã mất đi một số vai trò như tài sản trú ẩn an toàn khi giá bitcoin tăng lên. Giá vàng giảm khoảng 9% từ đầu năm đến nay và đang giao dịch ở mức thấp hơn gần 15% so với mức đỉnh thời đại hơn 2.000 USD/oz hồi giữa năm 2020. Trong khi đó, bitcoin tăng mạnh 70% từ đầu năm đến nay và hiện đang dao động dưới mức 50.000 USD, không xa so với mức đỉnh kỷ lục mà đồng tiền điện tử này xác lập hồi cuối tháng 2.
Một số nhà phân tích trung thành với vàng nhận định kim loại quý này sẽ tiếp tục phục hồi ngay cả khi giá bitcoin tăng cao hơn nữa.
Nguy cơ lạm phát và kỳ vọng giá vàng nóng lên
Vàng là tài sản trú ẩn truyền thống trước mọi cuộc khủng hoảng hay nguy cơ lạm phát. Giá vàng đã leo thang vào năm ngoái khi các nhà đầu tư lo ngại nền kinh tế toàn cầu tê liệt vì cuộc khủng hoảng dịch bệnh. Và ngay cả lúc này, khi mối quan ngại lạm phát bùng lên, vàng tiếp tục được nhắc đến như “hàng rào” trước lạm phát.
Thêm vào đó, sự biến động quá lớn của giá bitcoin có thể khiến nhiều tổ chức, nhà đầu tư lo ngại và chọn cách bảo vệ tài sản của họ bằng vàng. Bất chấp việc trong thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp bao gồm cả những tên tuổi lớn như Tesla hay MicroStrategy đã đổ hàng tỷ USD vào bitcoin.
Ipek Ozkardeskaya, nhà phân tích cấp cao của Swissquote cho biết trong một báo cáo gần đây: “Các nhà đầu tư cần một kênh đầu tư bảo vệ họ một cách nghiêm túc trước lạm phát và bitcoin có thể không phải lựa chọn tốt”.
Quan ngại về lạm phát đang trở nên ngày càng thường trực khi Thượng viện Mỹ có khả năng thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ USD mà Tổng thống Biden đề xuất. Nhiều nhà kinh tế tự hỏi nền kinh tế Mỹ có thực sự cần đến gói cứu trợ lớn như vậy hay không khi dấu hiệu phục hồi ngày càng mạnh mẽ và tiến độ tiêm chủng vắc xin Covid-19 cũng được đẩy nhanh. Điều đáng lo ngại là tất cả gói kích thích cuối cùng sẽ khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, dẫn đến lạm phát cao hơn.
Mối quan ngại như vậy có khả năng thúc đẩy giá vàng leo thang.
Naeem Aslam, chuyên gia phân tích thị trường từ AvaTrade cho biết: "Lý do chúng tôi dự báo giá vàng tăng chủ yếu là do Hạ viện Mỹ đã thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ. Chúng tôi thực sự lo ngại về nguy cơ lạm phát cao hơn".
Các nhà phân tích tại quỹ quản lý tài sản châu Âu Amundi cũng lo ngại về nguy cơ lạm phát tăng đột biến khi nền kinh tế Mỹ phục hồi. Trong kịch bản đó, các nhà đầu tư cần cảnh giác và “đón đầu” để đề phòng, và mua vàng là một kênh đầu tư an toàn.
Mua vàng hay bitcoin?
Một số ý kiến khác chỉ ra rằng trên thực tế, tiền điện tử như bitcoin có thể tiếp tục là một kênh đầu tư tốt tại thời điểm lợi suất trái phiếu dự kiến tiếp tục tăng và nguy cơ lạm phát như hiện tại.
Brad Neuman, giám đốc chiến lược thị trường tại Alger chỉ ra rằng mặc dù lạm phát thường đi kèm với lợi suất trái phiếu tăng, nhưng vấn đề là lợi suất có thể tăng đột biến và ảnh hưởng đến lợi nhuận từ kênh đầu tư vàng. Trong trường hợp đó, bitcoin cho phép nhà đầu tư thu về lợi nhuận có thể tốt hơn vàng.
Những người ưa thích Bitcoin cũng tin rằng loại tiền điện tử này vẫn sẽ được ưa chuộng với các nhà đầu tư coi nó như một kênh trú ẩn an toàn trong thời kỳ lạm phát, giống như chức năng của vàng. Lý do lớn nhất khiến bitcoin tăng giá chóng mặt trong năm nay có lẽ liên quan nhiều hơn đến thực tế là các nhà đầu tư đã nhận ra rằng nguồn cung loại tiền điện tử này có hữu hạn, nó thậm chí còn khan hiếm hơn vàng hoặc các kim loại quý khác.
Chỉ có 21 triệu bitcoin được tích hợp trong mã nguồn của nó. Và khoảng 18,6 triệu đã được lưu hành tính đến thời điểm hiện tại. Steve Ehrlich, Giám đốc điều hành của Voyager Digital, một công ty môi giới tiền điện tử thậm chí đã ví bitcoin là “vàng kỹ thuật số”. Thực tế, ngày càng nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào bitcoin, thậm chí xem xét đồng tiền điện tử này như một kênh thanh toán tiềm năng. Tesla là một ví dụ tiên phong.