Làm thế nào để logistics Việt thoát cảnh “vừa yếu, vừa thiếu”?
Thiếu hàng triệu nhân lực có tay nghề
Hiện nay, xu thế tự động hóa và thương mại điện tử đang tác động mạnh mẽ tới hệ sinh thái của ngành logistics. Yêu cầu cấp bách cho mỗi nền kinh tế cần quan tâm đào tạo lại kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có để bắt kịp tiến bộ công nghệ. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện đang rất thiếu nguồn nhân lực lao động trong ngành này, đặc biệt thiếu lao động có chất lượng cao.
Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng 30.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics. Trong đó, khoảng 4.000 doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng hóa nội địa và quốc tế.
Được biết, các doanh nghiệp này chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, trong đó có 1% doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, 10% doanh nghiệp là liên doanh, còn lại 89% doanh nghiệp Việt Nam thuần túy. Hiện tại, nguồn nhân lực của các doanh nghiệp hiện rất thiếu. Theo ông Hiệp nhận định, hiện ngành logistics còn thiếu khoảng 2 triệu nhân lực.
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng trên, các chuyên gia cho rằng, hiện nay, các trường dạy nghề thường gặp khó khăn trong việc đáp ứng trình độ kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Do đó, sinh viên tốt nghiệp được sắp xếp vào những vị trí tay nghề thấp với mức lương khiêm tốn, trong khi các nhà tuyển dụng lại phải đầu tư đào tạo lại nhân viên.
Ngoài ra, theo chia sẻ của Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh TPHCM, một trong những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam là chất lượng lao động và cơ cấu của lực lượng lao động. Doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn để tìm được lao động phù hợp, bên cạnh đó, khả năng người lao động dịch chuyển rất cao.
Theo kết quả khảo sát mới đây của VCCI, các doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng lao động tại địa phương nơi họ hoạt động chỉ đáp ứng được 29% hoặc đáp ứng được một phần khoảng 67% nhu cầu của họ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm lao động lành nghề, có kỹ năng cao. 74% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn khi tuyển dụng vị trí cán bộ kỹ thuật. Tương tự, số doanh nghiệp khó tuyển dụng được các vị trí giám sát và quản lý rất lao, lần lượt là 84% và 91%...
Để giải quyết tình trạng trên, theo Hiệp hội doanh nghiệp logistics cho hay, trong khuôn khổ chương trình Aus4Skills đã thành lập Ban tư vấn đào tạo ngành logistics.
Đây là một mô hình do doanh nghiệp dẫn dắt, hợp tác với các trường đào tạo nghề trong việc xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề và kỹ năng nghề trong ngành logistics. Vai trò của Ban tư vấn đào tạo ngành logistics là hỗ trợ đảm bảo rằng tay nghề của các sinh viên tốt nghiệp phù hợp với nhu cầu của nhà tuyển dụng, giúp tăng năng suất và hiệu quả của ngành.
Logistics Việt không thay đổi, khó tận dụng lợi ích EVFTA
Theo điều tra của World Bank về chỉ số năng lực Logistics (LPI) năm 2018 Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia tham gia, đồng thời, đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 - 20%, dự báo, EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.
Nguyên nhân là do các dịch vụ vận tải, đặc biệt là vận tải biển đang là ngành xuất khẩu lớn thứ hai của EU. Hiện tại, không có quốc gia ASEAN nào nằm trong top các nước nhận dịch vụ này của Liên minh châu Âu (EU).
Tuy nhiên, theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Tổ chức thương mại quốc tế WTO tại Việt Nam, hiện tại, chi phí cho logistics ở Việt Nam vẫn quá cao, chiếm tới 21 - 25% GDP hàng năm, 12% giá thành sản phẩm ngành thủy sản, 23% giá thành đồ gỗ, 29% giá thành rau quả, 30% giá thành gạo…
Với mức này, chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, Singapore 300%. Bất cập này sẽ cản trở rất lớn cho sự phát triển ngành logistics Việt Nam.
"Đối với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, Việt Nam đã có những cam kết mở cửa khá ấn tượng, cao hơn mức hiện tại trong cam kết trong WTO mà Việt Nam cho các đối tác." bà Trang cho hay.
Ngoài ra, cũng theo nhận định của bà Trang, cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam hiện nay chưa đáp ứng tốt các yêu cầu hoạt động kinh doanh, lưu thông và phân phối các sản phẩm dịch vụ, nhất là trong điều kiện hội nhập và phát triển.
Đánh giá về nguyên nhân của thực trạng trên, ông Trần Ngọc Liêm, Phó giám đốc VCCI chi nhánh tại TP HCM cho rằng, lâu nay Logistics Việt vẫn được bảo hộ khá chặt chẽ, thông qua các điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo cam kết mở cửa dè dặt trong Tổ chức thương mại quốc tế và các hiệp định thương mại tự do liên quan.
"Tuy nhiên, theo cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, các cam kết sẽ ở mức mở rộng cửa hơn rất nhiều cho doanh nghiệp hai bên. Đây là thách thức nhưng cũng có thể là sức ép hợp lí để ngành Logistics Việt Nam cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh." Đại diện VCCI thông tin.