Lệnh cấm giao dịch trên toàn nước Mỹ của Trump có phải "đòn tử" với TikTok và WeChat?

07/08/2020 15:42 GMT+7
Sắc lệnh cấm giao dịch với TikTok và WeChat mới đây là động thái mới nhất trong nỗ lực của chính quyền Trump nhằm trấn áp các công ty công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh bất đồng thương mại và công nghệ leo thang giữa Bắc Kinh và Washington.
Lệnh cấm giao dịch trên toàn nước Mỹ của Trump có phải "đòn tử" với TikTok và WeChat? - Ảnh 1.

Trump cấm mọi tổ chức, cá nhân Mỹ giao dịch với TikTok và WeChat trong 45 ngày kể từ hôm 6/8

Cụ thể, tối 6/8 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump đã ký sắc lệnh hành pháp cấm mọi cá nhân, tổ chức của Mỹ giao dịch với TikTok của ByteDance và WeChat của Tencent trong vòng 45 ngày, viện dẫn mối quan ngại về rủi ro an ninh quốc gia khi “cho phép chính phủ Trung Quốc truy cập vào nguồn thông tin cá nhân nhạy cảm của người Mỹ”. Lệnh cấm của Trump dựa trên cơ sở pháp lý từ Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế và Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia Mỹ.

Theo các nhà nghiên cứu từ Eurasia Group, động thái mới đây là “sự can thiệp chưa từng có của chính phủ Mỹ vào lĩnh vực công nghệ tiêu dùng”. Trước đó, Trump đã nhiều lần đe dọa sẽ cấm của TikTok nếu ByteDance không bán lại TikTok Mỹ cho Microsoft hoặc bất kỳ công ty Mỹ nào trước ngày 15/9.

TikTok hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất với thế hệ Z (thế hệ trẻ sinh sau năm 2000) tại Mỹ. Ứng dụng này thu hút tổng cộng 180 triệu lượt download tính đến tháng 7 qua. Chỉ riêng tháng 7, số lượt tải xuống là 6,3 triệu lần, thấp hơn một chút so với con số 7,5 triệu lần hồi tháng 6 theo dữ liệu của công ty tình báo thị trường Sensor Tower có trụ sở tại San Francisco.

Khi chính quyền Trump đe dọa cấm TikTok hồi cuối tháng 7, các lựa chọn thay thế cho TikTok như Triller đã chứng kiến lượt download tăng đột biến 4 lần trong tuần gần nhất.

WeChat (ứng dụng mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc được phát triển bởi Tencent) cũng có tên trong sắc lệnh cấm giao dịch mới nhất của Trump. Dù không phổ biến tại Mỹ như TikTok nhưng WeChat hiện cũng thu hút tới 19 triệu lượt download kể từ khi ra mắt đến nay.

Tencent, công ty mẹ của WeChat đồng thời là nhà điều hành kinh doanh trò chơi và ứng dụng truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc đã chứng kiến giá cổ phiếu tụt 10% trong phiên giao dịch ngày 7/8 (giờ Châu Á). Trước phiên giảm này, Tencent là công ty lớn thứ 8 toàn cầu tính theo giá trị thị trường, với vốn hóa thị trường đạt 686 tỷ USD (bảng xếp hạng của Bloomberg).

Lệnh cấm giao dịch của Trump tác động thế nào đến TikTok và WeChat?

Bộ Thương mại Mỹ chưa đưa ra thông báo tiếp theo về phạm vi các giao dịch cụ thể bị cấm, nhưng các nhà phân tích chỉ ra sắc lệnh của Trump sẽ phải đối mặt với những thách thức. “Nếu người dùng đã tải ứng dụng về điện thoại của họ, gần như không thể yêu cầu họ xóa hoặc ngừng sử dụng trừ khi Mỹ có thể xây dựng một Great Firewall (tương tự như Trung Quốc) để chặn tất cả những ứng dụng này” - theo ông Ye Jun, nhà nghiên cứu tại công ty luật Getech Law.

Bên cạnh đó, dù lệnh cấm giao dịch cụ thể ra sao, các nhà phân tích cũng cho rằng nó không tác động mạnh đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tencent. “Phần lớn các nhà quảng cáo trên ứng dụng WeChat đến từ Trung Quốc. Do đó, tôi không nghĩ lệnh cấm ảnh hưởng quá nhiều đến họ”, nhận định của chuyên gia phân tích chứng khoán Ming Lu từ Aequitas Research.

“Tác động tiềm tàng lớn nhất sẽ là việc người Trung Quốc tại Mỹ có nguy cơ bị ngắt liên lạc với cộng đồng mạng tại Trung Quốc do đây là kênh liên lạc mạng xã hội phổ biến nhất” - theo ông Mark Tanner, giám đốc điều hành công ty tư vấn China Skinny ở Thượng Hải. Lệnh cấm của Mỹ  với ứng dụng này sẽ là đòn giáng mạnh vào hàng triệu người Trung Quốc đang sử dụng WeChat như kênh liên lạc chủ yếu với bạn bè, gia đình, thậm chí là các mối quan hệ kinh doanh khi ở Mỹ.

TikTok có thể chịu ảnh hưởng nặng nề hơn WeChat khi bị Mỹ cấm giao dịch, do đây được coi là thị trường nước ngoài lớn thứ hai toàn cầu của ứng dụng này. Nhưng một thống kê gần đây chỉ ra khoảng 86,6% chi tiêu của người dùng Tik Tok trong tháng 4/2020 là từ Trung Quốc đại lục, chỉ có 8,2% doanh thu xuất phát từ thị trường Mỹ. Như vậy, việc chính quyền Trump cấm giao dịch cũng ảnh hưởng không quá lớn đến doanh thu của ứng dụng video phổ biến này.

Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Đơn vị Tình báo Kinh tế Economist Intelligence Unit thì chỉ ra rằng sau lệnh cấm nhắm vào TikTok và WeChat, có nguy cơ nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc cũng rơi vào tầm ngắm của chính phủ Mỹ. “Phần lớn những động thái này phản ánh mối quan ngại an ninh quốc gia, nhưng nó cũng mang màu sắc chính trị trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục