Liệu mặt bằng lãi suất có giảm?

25/11/2019 06:18 GMT+7
Những ngày qua, thị trường đón nhận những tín hiệu tích cực từ động thái điều chỉnh giảm lãi suất của nhà điều hành và các ngân hàng thương mại (NHTM). Cộng đồng doanh nghiệp (DN) kỳ vọng sẽ tiếp cận luồng vốn rẻ để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu tăng cao dịp cuối năm.

Lãi suất “đảo chiều”

Do một trong các yếu tố tác động là tính mùa vụ, cho nên thông thường dịp cuối năm là thời điểm lãi suất ngân hàng “neo” ở mức cao và theo xu hướng tăng so với các thời điểm khác. Nhưng giữa tháng 11 năm nay, thị trường lãi suất lại chứng kiến sự đảo chiều khi các ngân hàng bất ngờ tuyên bố giảm lãi suất cả huy động và cho vay. Mặc dù trước đó, thị trường đã chứng kiến những cuộc đua tăng lãi suất huy động rải rác tại một số NHTM.

Cụ thể, mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành hai quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 19-11 về việc giảm lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1,0%/năm xuống 0,8%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5,0%/năm. Cùng với đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao cũng giảm từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm. Riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,5%/năm xuống 7,0%/năm.

Liệu mặt bằng lãi suất có giảm? - Ảnh 1.

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Ngân hàng Bưu điện Liên Việt. Ảnh: KHÁNH AN

Trước khi NHNN có quyết định điều chỉnh, một số NHTM cũng đã tiên phong giảm lãi suất cho vay, như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB). Theo đó, Vietcombank được coi là ngân hàng đầu tiên trong nhóm bốn NHTM nhà nước điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với tất cả các DN trên tất cả các lĩnh vực. Đáng chú ý, dù quyết định điều chỉnh giảm lãi suất cho vay có hiệu lực từ ngày 18-11, song tất cả DN đã ký hợp đồng vay vốn tại Vietcombank kể từ ngày 1-11-2019 cũng đều được hưởng chính sách lãi suất hấp dẫn này. Ngân hàng MSB ngay trong ngày 18-11 cũng thông báo giảm tới 2% lãi suất cho vay ngắn hạn đối với khách hàng DN và chủ hộ kinh doanh, đặc biệt giảm tới 3,6% lãi suất phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi..., nông nghiệp.

Ngoài ra, ngay sau khi quyết định của NHNN được ban hành, một loạt NHTM cũng công bố hạ lãi suất cho vay. Theo đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay VNĐ ngắn hạn tối đa từ 6,5%/năm xuống 6,0%/năm đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn thêm 0,2%/năm đối với tất cả các kỳ hạn (thấp so với trần lãi suất quy định của NHNN). Việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động vốn là cơ sở để BIDV tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm từ 0,2% - 0,5%/năm so với lãi suất hiện hành và duy trì chính sách cho vay đối tượng ưu tiên tối đa 5,5%/năm (thấp so với quy định mới điều chỉnh của NHNN 0,5%/năm) đối với các lĩnh vực ưu tiên…

Cơ hội lan tỏa vốn rẻ

Có thể nói, việc các NHTM điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trong dịp cuối năm được các DN đón nhận như một món quà bất ngờ. Bởi lẽ, việc giảm lãi suất sẽ giúp giảm gánh nặng chi phí cho DN, từ đó giúp DN có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, kinh doanh, nhất là dịp cuối năm khi các nhu cầu của người dân và DN đều tăng cao. Chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam Nguyễn Kim Hùng cho biết: Nếu được giảm lãi suất, DN sẽ xem xét để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, nếu được giảm trong dài hạn, công ty sẽ ưu tiên mở rộng đầu tư chế biến sâu các sản phẩm; còn nếu giảm ngắn hạn, công ty lại đẩy mạnh tăng trưởng hàng hóa tiêu dùng.

Chia sẻ về quyết định giảm lãi suất của ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết: Việc giảm lãi suất này sẽ tác động trực tiếp tới hơn 320 nghìn tỷ đồng dư nợ của Vietcombank. Do đó, lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm khoảng 260 đến 300 tỷ đồng trong hai tháng cuối năm. Song động thái này của ngân hàng sẽ giúp các DN có nhiều lựa chọn hơn trong việc vay vốn để sản xuất, kinh doanh. “Hiện tại, dư địa tín dụng của ngân hàng từ nay đến cuối năm vẫn còn 5%. Và dù giảm lợi nhuận, nhưng tính chung kết quả lợi nhuận cả năm mà Vietcombank đã đề ra vẫn không bị ảnh hưởng bởi trước đó ngân hàng đã tập trung nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí trích lập dự phòng cũng như giảm thiểu chi phí hoạt động” - ông Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh.

Cũng bày tỏ quan điểm về động thái hạ lãi suất, Giám đốc Ban kinh doanh vốn và tiền tệ của BIDV Đỗ Ngọc Quỳnh đánh giá, quyết định điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN chắc chắn sẽ tác động đến thị trường. Tới đây, mục đích mà NHNN muốn hướng đến là hạ mặt bằng lãi suất chung của nền kinh tế. Do vậy, chắc chắn lãi suất huy động và cho vay sẽ hạ xuống trong thời gian tới và thể hiện rõ nét hơn trong năm 2020. Ngoài ra, theo phân tích của ông Đỗ Ngọc Quỳnh, việc cắt giảm lãi suất về lý thuyết là giúp chi phí vốn thấp sẽ kích thích DN và các nhà đầu tư tham gia thị trường nhiều hơn, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển tốt hơn. Còn đối với thị trường vốn, việc giảm lãi suất sẽ tác động đến các sản phẩm tài chính, như đối với trái phiếu thì do đây là các công cụ nợ dài hạn và có lãi suất cố định, nên khi lãi suất trên thị trường càng giảm thì giá trái phiếu càng tăng.

Tuy nhiên, ở góc độ khác, một số chuyên gia kinh tế lại bày tỏ băn khoăn khi cho rằng sẽ không có nhiều DN có thể tiếp cận được dòng vốn rẻ này, cũng như liệu việc giảm lãi suất có lan tỏa rộng rãi trên thị trường để thiết lập được một mặt bằng lãi suất mới hay không? Băn khoăn này không phải là phi thực tế, bởi hiện nay nhiều NHTM đã chạm trần tăng trưởng tín dụng của cả năm 2019 và vẫn chưa được NHNN cấp thêm. “Vì vậy, vốn rẻ thì vẫn có nhưng không phải DN nào cũng đủ điều kiện tiếp cận vì những yêu cầu chặt chẽ từ phía ngân hàng” - một lãnh đạo DN chia sẻ. Ngoài ra, một vị lãnh đạo Hội Da giày TP Hồ Chí Minh cho biết, dù lãi suất đã giảm nhiều so với thời gian trước nhưng thực tế vẫn ở mức khá cao, nhất là với các DN nhỏ và vừa. Và cùng với việc giảm lãi suất, quan trọng hơn là vẫn cần có cơ chế, chính sách để DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng. Phân tích từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng chỉ ra rằng: Việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động trong thời điểm này được hỗ trợ rất lớn bởi yếu tố thanh khoản dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mặt bằng thấp (từ 1,8 - 2,2%/năm) trong một tháng gần đây cho thấy các ngân hàng không còn quá căng thẳng về thanh khoản. Bên cạnh đó, động thái giảm lãi suất của các ngân hàng cũng nhằm ủng hộ định hướng của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay thêm khoảng 0,5% trong năm 2020.

Vì vậy, việc giảm lãi suất ngắn hạn như diễn biến vừa qua là chưa đủ. Nhiều DN vẫn kỳ vọng lãi suất cho vay kỳ hạn dài cũng giảm thêm để thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, một số chuyên gia kinh tế cũng khuyến cáo việc cắt giảm lãi suất lần này cần bảo đảm dòng tiền sẽ chảy vào sản xuất, kinh doanh, chứ không phải “đổ” vào các khu vực có rủi ro cao như đầu cơ bất động sản.

Hồng Anh/Nhân dân
Cùng chuyên mục