Giảm lãi suất: DN tiết kiệm 6.000 – 7.000 tỷ chi phí lãi vay
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vừa có báo cáo đánh giá tác động của việc hạ trần lãi suất huy động đối với các kì hạn dưới 6 tháng và lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Giảm lãi suất huy động tác động tới nhóm ngân hàng nhỏ
Theo KBSV, về mặt tổng thể, mức độ tác động của việc hạ trần lãi suất huy động đối với hệ thống ngân hàng thương mại là không nhiều do lãi suất huy động kì hạn trên 6 tháng vẫn được điều chỉnh theo cung cầu của thị trường và vẫn đang duy trì tương đối cao (tính đến ngày 18/11, lãi suất kì hạn 6 tháng từ 5,5% - 8,15%).
Tuy nhiên, nếu xét riêng đối với các ngân hàng thương mại nhỏ, việc hạ trần lãi suất lần này sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lượng vốn huy động ngắn hạn (dưới 6 tháng) của các nhà băng này.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất đang có diễn biến trái chiều với lãi suất trái phiếu Chính phủ ở mức thấp kỉ lục, trong khi lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng và tổ chức kinh tế, dân cư) liên tục tăng trong thời gian gần đây.
Nguyên nhân chính của hiện tượng này xuất phát từ áp lực tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại nhỏ - nhằm bổ sung thanh khoản giai đoạn cuối năm, kéo theo việc tăng lãi suất ở nhóm ngân hàng thương mại lớn để giữ thị phần.
KBSV nhấn mạnh, "việc hạ trần lãi suất huy động kì hạn ngắn trước mắt đang tác động chủ yếu đến nhóm ngân hàng thương mại nhỏ này và qua đó phần nào giúp giải quyết vấn đề trên".
Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lãi vay vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng
Đối với lãi suất cho vay, dư nợ tín dụng của việc vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối các lĩnh vực ưu tiên chiếm khoảng 25% - 30% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Với ước lượng tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng thêm khoảng 300.000 tỷ đồng trong hai tháng cuối năm (tăng trưởng tín dụng khoảng 14%), tác động của việc hạ lãi suất cho vay 0,5%, với giả định sẽ diễn ra trên diện rộng ở toàn bộ khối lượng cho vay trong 2 tháng cuối năm đối với lĩnh vực ưu tiên, sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí lãi vay vào khoảng 6.000 - 7.000 tỷ đồng.
Trong dó, riêng Vietcombank sẽ chia sẻ khoảng 260 tỷ đồng lợi nhuận cho đợt giảm lãi suất lần này – theo tiết lộ của ông Nghiêm Xuân Thành – Chủ tịch Vietcombank.
Đối với thị trường chứng khoán, KBSV cho rằng tác động trong ngắn hạn sẽ là tích cực. Theo thống kê dữ liệu lịch sử, trong 8 lần NHNN hạ trần lãi suất huy động/cho vay giai đoạn 2012 – 2014, chỉ số VN-Index đã tăng trung bình 1,9% sau khi thông tin công bố được 1 tuần.
Còn trong một báo cáo trước đó của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tổ chức này cho rằng động thái giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn của Ngân hàng Nhà nước là nhằm thực hiện định hướng giảm 0,5% lãi suất cho vay mà Thủ tướng đã nêu ra tại Quốc hội. Các Ngân hàng thương mại cổ phần gốc quốc doanh sẽ là những ngân hàng chịu ảnh hưởng từ định hướng trên rõ nét nhất.
"Sau Vietcombank, rất có thể Vietinbank và BIDV cũng sẽ sớm công bố các gói giảm lãi suất cho tất cả các lĩnh vực cho vay, chứ không chỉ giới hạn ở các lĩnh vực ưu tiên như trước. Với các NHTMCP quy mô vừa và nhỏ, việc giảm lãi suất cho vay có thể sẽ chỉ dừng ở các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng", BVSC nhận định