Lĩnh vực sản xuất tiếp đà suy yếu, kinh tế Nhật Bản ngày một lao đao

02/12/2019 13:22 GMT+7
Hoạt động sản xuất của Nhật Bản tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong tháng 11 sau khi kim ngạch xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vừa qua.
Lĩnh vực sản xuất tiếp đà suy yếu, kinh tế Nhật Bản ngày một lao đao - Ảnh 1.

Sản xuất lao đao, kinh tế Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bất ổn địa chính trị toàn cầu

Chỉ số quản lý thu mua PMI trong lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản tiếp tục suy yếu trong tháng 11, đạt 48,9 - tức dưới mức trung lập 50. Dù tốc độ suy yếu này được đánh giá là phục hồi nhẹ so với hồi tháng 10 (PMI sản xuất tháng 10 đạt 48,4) thì con số 48,9 vẫn thể hiện xu hướng giảm tốc của ngành sản xuất trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu rơi xuống mức thấp nhất trong 5 tháng vừa qua.

Đáng lưu ý, đây là tháng thứ 7 chỉ số PMI sản xuất của Nhật Bản rơi xuống ngưỡng trung lập 50, tức chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2013 đến nay. 

Theo các chuyên gia kinh tế, dữ liệu PMI đang chỉ ra những nguy cơ rạn nứt sâu sắc trong nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, khi sản lượng nhà máy và số đơn hàng xuất khẩu bị tác động nặng nề bởi xu hướng suy yếu nhu cầu trong và ngoài nước. 

Joe Hayes, chuyên gia kinh tế từ IHS Markit nhận định: “Lĩnh vực sản xuất của Nhật Bản đang bị mắc kẹt trong đáy vực giảm tốc”. Bằng chứng là các đơn hàng xuất khẩu của Nhật Bản đã giảm với tốc độ nhanh kỷ lục trong khoảng nửa năm nay khi mà nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ những bất ổn địa chính trị trên toàn thế giới. Với cơ cấu kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào thương mại, Nhật Bản là một trong những quốc gia thiệt hại nặng nề nhất do thương chiến Mỹ Trung. Trung Quốc hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản, việc nhu cầu tiêu dùng trên thị trường tỷ dân giảm nhiệt là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm tốc đáng báo động  trong kim ngạch xuất khẩu.

Bên cạnh chỉ số quản lý thu mua PMI, hàng loạt dữ liệu kinh tế của Nhật cũng cảnh báo rủi ro suy thoái, bao gồm cả doanh số bán lẻ - một trong những thước đo chi tiêu tiêu dùng ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP. Thị trường lao động của nước Nhật cũng trong tình trạng ảm đạm khi tỷ lệ tăng trưởng việc làm trượt xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2012 đến nay. 

Theo ông Joe Hayes, lĩnh vực xuất nhập khẩu và đầu tư là hai nguyên nhân chính thúc đẩy sự suy giảm trong nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Song song với thương chiến Mỹ Trung, lĩnh vực sản xuất công nghệ vốn là thế mạnh của kinh tế Nhật Bản cũng lao đao trong quý II và quý III do căng thẳng thương mại Nhật - Hàn. Thương chiến giữa hai nước láng giềng bắt nguồn từ một mâu thuẫn nảy sinh hồi thế chiến II, khi tòa án Seoul yêu cầu công ty Nhật Bản bồi thường khoản tiền khổng lồ cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong quá khứ, còn phía Tokyo thì cho rằng mâu thuẫn đã giải quyết xong kể từ khi hai nước ký hiệp định bình thường hóa quan hệ những năm 60. 

Nhật Bản sau đó đã đưa Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin cậy, đồng thời tuyên bố hạn chế xuất khẩu 3 hóa chất quan trọng sử dụng trong ngành sản xuất công nghệ cao, điều mà phía Seoul cáo buộc là một hành vi trả đũa. 

Mâu thuẫn Nhật - Hàn đã tạm lắng xuống trong thời gian gần đây, nhưng tâm lý quan ngại trên thị trường về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn khiến thị trường tỏ ra thận trọng. Chính phủ Nhật Bản được cho là đang xem xét các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ để vực dậy nền kinh tế vốn đang lao đao.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục