Lo bão lại vào, người nuôi lồng bè ồ ạt bán cá
Ngày 11/11, chúng tôi mặt tại cảng cá Vạn Giã, huyện Vạn Ninh- thủ phủ nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè của tỉnh Khánh Hòa, chứng kiến cảnh tấp nập tàu thuyền công suất nhỏ đưa thủy sản nuôi ngoài biển vào bờ bán.
Trong số trên có tàu ngư dân Lê Hữu Dũng, một người nuôi cá bớp ở thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú cùng 3 người đang vận chuyển cá lên bờ. Ông Dũng cho biết, nghe tin cơn bão số 13 lại vào biển Đông nên gia đình rất lo lắng cho số cá nuôi trong lồng. Vì vậy, gia đình ông đã quyết định ra bè thu hoạch để xuất bán "chạy bão".
"Gia đình tôi nuôi 1.100 con cá bớp, đạt trọng lượng từ 3-6 kg/con. Cơn bão số 12 đổ bộ vào ngày 10/11 khiến 2 ô lồng nuôi cá bị rách lưới gây thất thoát hơn 200 con, trọng lượng 4-5 con/kg, ước thiệt hại khoảng 100 triệu đồng. Bởi giá cá hiện được thương lái thu mua hơn 110 ngàn đồng/kg. Hiện số cá còn lại trọng lượng tuy mới đạt khoảng 3-4 con/kg. Nhưng gia đình đành xuất bán non với giá 105 ngàn đồng/kg, chứ bão vào nữa tôi thấp thỏm lo âu lắm”, ông Dũng bộc bạch.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Quân ở thị trấn Vạn Giã cũng thu hoạch hơn 500 con cá bớp đã đạt trọng lượng xuất bán, trung bình từ 5-6 kg/con đưa vào cảng trong sáng nay.
Theo ông Quân, cơn bão số 12 đổ bộ trên địa bàn bắt đầu từ 8 giờ sáng ngày 10/11 và kéo dài hơn 3 tiếng, với sức gió mạnh cập 8-9, giật cấp 10-11. Bà con ở trên bờ rất lo lắng cho những ô bè đang thả tôm cá. May mà bão đi qua, hầu hết bà con ra xem thấy bè, ô lồng không bị thiệt hại nhiều nên mừng lắm. Song cũng có vài trường hợp bè bị gãy cây, rách lưới lồng khiến cá thoát ra một ít.
“Đợt bão này đỡ hơn nhiều so với bão năm 2017. Vì năm đó bão vào san bằng tất cả ô bè của bà con ngư dân. Đợt này có người thiệt hại, có người không. Nhưng những thiệt hại của người nuôi cũng không nhiều. Như gia đình tôi nuôi 40 ô lồng nhưng chỉ có 2 ô nuôi cá nhỏ bị thất thoát, ước thiệt hại vài chục triệu đồng", ông Quân nói và cho biết, bão này giảm thiệt hại một phần cũng nhờ bà con chủ động chằng chống bè rất kỹ.
Còn lồng bè nuôi của gia đình ông Trương Văn Dư, ở thị trấn Vạn Giã thật may mắn khi bão số 12 đổ bộ không gây thiệt hại gì đáng kể. Tuy nhiên cũng như ông Dũng, ông Quân, ông Dư rất lo lắng khi một cơn bão nữa lại ập vào biển Đông.
Ông Dư cho biết, mấy đợt bão vừa qua, gia đình ông liên tục bán cá "chạy bão" để giảm ro thiệt hại kinh tế do thiên tai. “Vụ này gia đình nuôi 3.000 con cá bớp đã đạt trọng lượng xuất bán. Trước bão số 12 tôi đã xuất 2.000 con rồi. Hiện còn 1.000 nữa gia đình hôm nay sẽ xuất nốt. Dù giá cá hiện nay chỉ 115 ngàn đồng/kg loại 4 kg/con trở lên và 105 ngàn đồng/kg loại 4 kg/con trở xuống, thấp hơn nhiều so với thời điểm năm ngoái (140-150 ngàn đồng/kg). Với giá này, tôi xuất cá chỉ huề vốn do chi phí mỗi kg cá đã 100 ngàn, chưa kể quá trình nuôi hao hụt, chậm lớn... Nhưng tôi vẫn phải bán, chứ cứ bão liên miên như thế này chúng tôi ăn ngủ không yên", ông Dư bộc bạch.
Trao đổi PV Báo Nông Nghiệp Việt Nam, ông Lê Hồng Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, cơn bão số 12 trên địa bàn huyện không gây thiệt hại về người. Lồng bè nuôi tôm cá của bà con đến thời điểm này ghi nhận thiệt hại cũng không nhiều.
Theo ông Phương, hiện toàn huyện có hơn 39.000 ô lồng nuôi tôm cá, tuy nhiên chủ yếu nuôi cá bớp, cá chim…Đến thời điểm này bà con đã thu hoạch hơn 40% sản lượng nuôi đã đến thời kỳ thu hoạch. Tuy nhiên trước tình hình từ nay đến cuối năm thời tiết diễn biến phức tạp, do đó huyện tiếp tục khuyến cáo bà con nên chủ động thu hoạch bán bớt tôm cá đến kỳ thu hoạch nhằm giảm bớt rủi ro thiệt hại.
Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng các tiểu thương ép giá gây thiệt hại cho bà con, UBND huyện sẽ tiếp tục làm việc các ngành như phòng kinh tế, đội quản lý thị trường để làm sao kịp thời thông tin cho người nuôi về giá thủy sản.
Ông Võ Văn Tùng, một thương lái thu mua cá bớp ở thị trấn Vạn Giã cho biết, trước tình hình mưa bão phức tạp, hiện nay hầu hết bà con tranh thủ xuất cá đạt trọng lượng để bán. Tuy nhiên việc bà con bán cá hiện nay phải đăng ký trước vì số lượng người bán đông mà người mua ít. Bản thân tôi cố gắng thu mua hết cá cho bà con và không bao giờ mua cá ép giá.