Mỹ công bố chiến lược giảm phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc

06/06/2019 16:53 GMT+7
Chính phủ Mỹ ngày 5.6 đã đưa ra hàng loạt các chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung đất hiếm từ Trung Quốc sau khi chính quyền ông Tập Cận Bình đe dọa sẽ cắt nguồn cung loại khoáng sản quan trọng này sang Mỹ.

Cụ thể, một chiến lược dài hơn 50 trang đã được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra, trong đó phác thảo hàng loạt biện pháp tăng nguồn cung đất hiếm trong nước, làm giảm sự phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc.

Khoảng 59% lượng đất hiếm mà Mỹ nhập khẩu năm 2018 đến từ Trung Quốc, theo số liệu từ Ủy ban Thương mại Mỹ. Đất hiếm vốn được biết đến như là khoáng sản đặc biệt quan trọng trong việc sản xuất các thiết bị quân sự và thiết bị công nghệ cao.

Báo cáo chiến lược còn cho hay, trong 35 khoáng sản đất hiếm trọng yếu của Mỹ, 21 khoáng sản Mỹ có năng lực sản xuất nhưng rất hạn chế và 14 khoáng sản còn lại hoàn toàn được nhập khẩu.

“Những khoáng sản đất hiếm này không chiếm giá trị cao trong kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, nhưng lại đóng vai trò quan trọng không thể thay thế trong ngành công nghệ cao và sản xuất vũ khí quân sự.” Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết hôm 5.6. “Do đó, chính phủ Mỹ sẽ có một hành động chưa từng có để đảm bảo nguồn cung đất hiếm của Mỹ được đảm bảo đầy đủ và liên tục.”

Trước đó, Ủy ban cải cách và phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) hôm 4.6 cho hay, các chuyên gia trong lĩnh vực đất hiếm nước này đang thúc giục các hành động kiểm soát xuất khẩu. Một hội nghị chuyên đề gần đây do NDRC tổ chức còn tranh luận về việc liệu có nên gia tăng sự giám sát để ngăn chặn việc sản xuất và buôn lậu đất hiếm bất hợp pháp hay không. Hiện Trung Quốc được biết tới là quốc gia xuất khẩu đất hiếm lớn nhất thế giới, với sản lượng xuất khẩu đất hiếm chiếm từ 70-90% sản lượng toàn cầu.

Một mỏ đất hiếm tại Nội Mông, Trung Quốc

Chiến lược đất hiếm được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, bao gồm 61 khuyến nghị để thúc đẩy khả năng tự cung cấp khoáng sản quan trọng của ngành công nghiệp đất hiếm trong nước. 61 khuyến nghị bao gồm việc kích thích những nghiên cứu và phát triển chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác thương mại với các đồng minh xuất khẩu đất hiếm, đánh giá lại nguồn cung khoáng sản trong nước và hợp lý hóa giấy phép khai thác cho các tổ chức, cá nhân. Lệnh cấm vận xuất khẩu đất hiếm mà Trung Quốc đã thực hiện với Nhật Bản năm 2010 là bài học cho Mỹ hiện nay.

Helen Lau, nhà phân tích khai thác tài nguyên tại Argonaut cho biết quy định siết chặt nguồn cung đất hiếm sẽ giúp Trung Quốc cùng lúc đạt hai mục đích: làm đòn bẩy gây áp lực lên Mỹ và giải quyết các vấn đề môi trường. “Trong cả một thập kỷ, Mỹ đã không phát triển ngành công nghiệp đất hiếm, cho dù họ rất giàu tài nguyên. Đây là lúc nên điều chỉnh lại sự phụ thuộc nguồn cung những khoáng sản quan trọng vào các nền kinh tế nước ngoài”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục