PGS-TS. Trần Đình Thiên chỉ đích danh điểm "có vấn đề" của hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ và đầu tư công

H.Anh Thứ hai, ngày 06/02/2023 19:41 PM (GMT+7)
"Cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phát triển lệch lạc, méo mó. Do đó, gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng".
Bình luận 0

Đó là nhấn mạnh của PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tại buổi tọa đàm với chủ đề "Nghị quyết 01 - đột phá hỗ trợ doanh nghiệp" diễn ra chiều nay (6/2).

Thị trường tài chính, tiền tệ có vấn đề, khu vực nội địa "khô cạn" vốn

PGS-TS. Trần Đình Thiên cho biết, khu vực nội địa - bộ phận quan trọng bậc nhất của nền kinh tế gặp khó khăn, trong khi khu vực FDI vẫn tăng trưởng tốt. "Nút thắt" của vấn đề nằm ở nguồn vốn. Thực tế, từ nửa cuối năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực bất động sản.

Phân tích làm rõ vấn đề, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, việc cung ứng vốn cho khu vực FDI không thuộc trách nhiệm của khu vực tài chính của Việt Nam mà chủ yếu vốn từ nước ngoài.

Do đó, câu chuyện "khô cạn" vốn của nền kinh tế không ảnh hưởng FDI. Đây là một trong những lý do rất cơ bản lý giải cho việc, FDI vẫn tăng trưởng tốt trong khi khu vực nội địa khó khăn. Vì vậy, ông Thiên cho rằng, vấn đề hiện nay là phải làm sao tăng cường cung ứng vốn cho khu vực nội địa.

Đồng thời, những ách tắc về vốn còn liên quan đến ràng buộc thể chế về luật lệ, pháp lý như về đất đai, cơ chế xin – cho,… Hay nói cách khác, khu vực nội địa đang bị "trói buộc" rất nhiều so với khu vực FDI.

PGS-TS Trần Đình Thiên chỉ đích danh điểm "có vấn đề" của hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ và đầu tư công - Ảnh 1.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.

Một lý do khác theo nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế.

"Nếu lãi suất cao 15%-16%/năm như hiện nay, làm sao doanh nghiệp sống được? Trong khi đó, những trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp", ông Thiên dẫn chứng.

Ông Thiên lưu ý, trong bối cảnh khó khăn như vậy, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm, khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Cùng với đó, giải ngân vốn cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.

Chưa kể, cấu trúc thị trường tài chính, tiền tệ, thị trường ngân hàng liên quan đến vốn tín dụng và thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu cũng phát triển lệch lạc, méo mó. Do đó, gánh nặng đổ về thị trường vốn tín dụng.

"Bản thân hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ đang có vấn đề; hệ thống đầu tư công cũng có vấn đề… chưa đồng bộ, quá nhiều thủ tục xin cho. Do đó, cần cách tiếp cận rất cơ bản cho hệ thống thị trường này, cũng như cần giải pháp thể chế để cân bằng lại, trong đó đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường cổ phiếu phải phát triển an toàn, lành mạnh, bảo đảm chia sẻ rủi ro, san sẻ gánh nặng cho ngân hàng", nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Cần giải pháp đột phá

Về vĩ mô, với những giải pháp cụ thể, ông Thiên cho rằng cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI, làm sao để lãi suất ổn định, không cao quá như hiện nay.

Hai là, khuyến khích cho doanh nghiệp nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, làm sao đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Đồng thời, cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn,…

Bên cạnh đó, cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.

Cách tiếp cận đối với nguồn lực công hiện nay cũng đang có sự thay đổi – theo PGS-TS. Trần Đình Thiên.

"Chưa bao giờ thấy Chính phủ ráo riết đẩy mạnh đầu tư công như hiện nay. Cách làm của Chính phủ sẽ giúp có lượng vốn cho doanh nghiệp qua kênh đầu tư công. Đi cùng với đó, cần rà soát lại cơ chế giải ngân, giảm các thủ tục quá phức tạp; cần rà soát quy chế cách làm,…", ông Thiên nhấn mạnh.

PGS-TS Trần Đình Thiên chỉ đích danh điểm "có vấn đề" của hệ thống thị trường tài chính, tiền tệ và đầu tư công - Ảnh 3.

Cần tập trung cao độ tái cấu trúc hệ thống thị trường, gắn với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Về tinh thần, khó khăn của nửa năm qua không phải do chúng ta thiếu vốn mà do cách hành động của chúng ta, trong công việc và trong chống tham nhũng có gây ra chấn động lòng tin, làm tổn thưởng nền kinh tế thị trường.

Do đó, ông Thiên cho rằng, có 2 cách tiếp cận cần phải làm như Thủ tướng Chính phủ từng chỉ đạo, là tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho doanh nghiệp không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động.

"Tôi tin rằng với năng lực trỗi dậy của doanh nghiệp, khả năng ứng biến của Chính phủ, Quốc hội như năm vừa qua thì sẽ xử lý được nhiều vấn đề. Dù tình hình có nhiều khó khăn nhưng cần những giải pháp đột phá, đột biến bởi nếu chỉ chăm chăm vào tháo gỡ sẽ rất khó", ông Thiên cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem