Lo nợ xấu "vơi lại đầy”: Ngân hàng bán đất nghìn tỷ, tăng tuyến “phòng thủ”

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 18/02/2022 08:32 AM (GMT+7)
Nợ xấu của nhiều ngân hàng vẫn tăng, thậm chí tăng đến 3 con số trong năm 2021. Các ngân hàng không chỉ tăng cường thu hồi nợ mà còn đẩy mạnh xây dựng “bộ đệm” dự phòng ngày càng lớn hơn.
Bình luận 0

Nợ xấu ngân hàng: Nỗi lo vơi lại đầy

Kết thúc năm tài chính 2021, VPBank, VietinBank và BIDV là 3 ngân hàng có khoản nợ xấu cao hàng đầu, từ 13.000 - 16.000 tỷ đồng.

Trong đó, VPBank tăng 60% so với năm trước. Nợ xấu tại VietinBank cũng bị đẩy lên một bậc so với năm trước, với gần 14.300 tỷ đồng, tăng gần 49%, đến từ khoản nợ dưới chuẩn (nhóm 3) tăng mạnh gần 275% lên hơn 7.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ xấu tại BIDV giảm gần 38%, nhưng vẫn còn hơn 13.200 tỷ đồng, nhóm nợ có khả năng mất vốn giảm mạnh tới 58% kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ giảm xuống.

Lo nợ xấu lại “đầy”: Ngân hàng bán đất nghìn tỷ, tăng tuyến “phòng thủ” - Ảnh 1.

Các ngân hàng "ôm" nhiều nợ xấu.

Áp lực nợ xấu cũng gia tăng tại một số ngân hàng tư nhân vốn được đánh giá có chất lượng tài sản "khỏe mạnh" như ACB, Techcombank.

Cụ thể, đến cuối năm 2021, nợ xấu của Techcombank tăng đến 77%, lên 2.294 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn tăng gấp đôi kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,47% lên 0,66%.

Tại ACB, tính đến cuối năm 2021, nợ xấu tăng 52,1% so với năm 2020 lên mức 2.799 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh nhất, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 0,6% hồi đầu năm lên 0,78%.

Nợ xấu ở một số ngân hàng nhỏ cũng có xu hướng tăng như: Nam Á Bank (tăng 117%); NCB (tăng 105%); VietBank (tăng 135%); Saigonbank (tăng 46%)…

Tuy nhiên, phía ngược lại, cũng có ngân hàng giảm số dư nợ xấu, chẳng hạn như BID (giảm 38%), TPBank (giảm 19%), SHB ( giảm 8%),...

Lo nợ xấu lại “đầy”: Ngân hàng bán đất nghìn tỷ, tăng tuyến “phòng thủ” - Ảnh 2.

Áp lực nợ xấu tăng cao trong năm 2022. (Ảnh: NLD)

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định, hệ thống ngân hàng trong thời gian tới vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, có áp lực từ nguy cơ nợ xấu tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn dẫn đến khó đảm bảo thực hiện được mục tiêu duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.

"Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ trước mắt là hết sức cần thiết nhằm giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người dân nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nợ xấu gia tăng và rủi ro kỳ hạn thanh khoản trong trung hạn. Việc cung ứng vốn cho nền kinh tế (đặc biệt vốn trung dài hạn) vẫn chủ yếu dựa vào hệ thống ngân hàng trong khi nguồn vốn ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn, làm gia tăng rủi ro kỳ hạn, rủi ro thanh khoản cho hệ thống TCTD", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế - ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, nợ xấu có xu hướng tăng lên trong bối cảnh dịch bệnh và là một trong những thách thức lớn nhất trong năm 2022. Dự báo trong năm 2022, nợ xấu nội bảng có thể tăng lên mức 2,3 - 2,5%. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối năm 2021 là 1,9%, tăng 0,21% so với cuối năm 2020.

Các ngân hàng siết nợ đại gia, bán đất nghìn tỷ và tăng "bộ đệm" dự phòng

Tăng bộ đệm kiểm soát nợ xấu là cách các ngân hàng đã làm, đặc biệt là trong 2 năm vừa qua khi con số nợ xấu kể cả nợ tiềm ẩn tăng vọt theo như chia sẻ của nhà điều hành. Thậm chí, việc tăng tốc trích lập dự phòng năm 2021 của nhiều ngân hàng cải thiện ở mức đáng ngạc nhiên. Một số ngân hàng chủ động trích lập đầy đủ cho toàn bộ các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 14 trước thời hạn 2023.

Điển hình như Vietcombank, nhà băng này hiện duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao kỷ lục trong ngành ngân hàng, đạt tới 424%. Đặc biệt, toàn bộ dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN đã được Vietcombank trích lập đủ 100%, sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Tương tự, dự phòng bao phủ nợ xấu riêng ngân hàng MB gần 400%, hợp nhất gần 268% - là một trong 2 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn ngành, chỉ sau Vietcombank.

Lo nợ xấu lại “đầy”: Ngân hàng bán đất nghìn tỷ, tăng tuyến “phòng thủ” - Ảnh 3.

Tổng hợp báo cáo tài chính các ngân hàng. (Ảnh: LT)

Trong năm 2021, BIDV cũng là ngân hàng đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao nhất trong những năm gần đây và cao hơn nhiều so với mục tiêu đề ra, đạt 235%.

Còn tại VietinBank, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện ở mức 180%, tăng mạnh so với con số 132% của cuối năm 2020.

Techcombank, ACB, TPB đều ghi nhận tỷ lệ bao nợ xấu kỷ lục, từ 153% - 205%.

Ngoài ra, để tránh một "cú sốc" về nợ xấu, ngay từ những ngày sau Tết các ngân hàng rầm rộ rao bán tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, trong đó có nhiều tài sản có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như, việc Vietcombank đang tiến hành phát mại đất và tài sản gắn liền trị giá gần 1.100 tỷ đồng thuộc tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Kỹ Nghệ Evergreen Việt Nam.

Trước đó, chỉ trong tháng 1/2022, BIDV đã đăng 16 thông báo phát mại tài sản; Agribank đăng tải hơn 20 tin, còn Vietcombank đã đăng 8 thông tin liên quan hoạt động trên...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem