Loạt lãnh đạo cấp cao Thành Thành Công (SBT) chi hàng trăm tỷ gom mua cổ phiếu

22/12/2022 16:09 GMT+7
Trong bối cảnh thị trường mía đường cả trong nước và quốc tế có nhiều biến động, hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, mã: SBT) đã hoàn tất việc mua vào toàn bộ số cổ phiếu đã đăng ký trước đó.

3 lãnh đạo SBT mua thành công gần 8 triệu cổ phiếu

Theo thông báo từ Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công đã công bố hoàn tất mua vào 5 triệu cổ phiếu SBT đã đăng ký, qua đó nâng số cổ phiếu đang nắm giữ lên hơn 112 triệu, tương ứng 16,14% vốn cổ phần.

Giao dịch được thực hiện hoàn toàn theo phương thức khớp lệnh từ 28/11 đến 19/12. Tạm tính giá kết phiên 19/12 là 13.500 đồng/cp, ước tính bà My đã chi 67,5 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.

Trước đó, ngày 14/12, Bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT Thành Thành Công cũng công bố hoàn tất mua vào 2 triệu cổ phiếu SBT đã đăng ký, với giá trị giao dịch tạm tính theo thị giá chốt phiên 14/12 là khoảng 27,3 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, Bà Ngọc đang nắm giữ 71,7 triệu cổ phiếu SBT, tương ứng 10,32% vốn cổ phần.

Ngày 16/12, ông Hoàng Mạnh Tiến, thành viên độc lập HĐQT cũng công bố hoàn tất mua hết 800.000 cổ phiếu đã đăng ký, nâng tổng số lượng cổ phiếu SBT sở hữu lên 2,37 triệu, tương ứng 0,34% vốn cổ phần. Tạm tính theo thị giá kết phiên 16/12 của cổ phiếu SBT là 13.500 đồng/cp, ước tính ông Tiến đã chi khoảng 10,8 tỷ đồng cho giao dịch này.

Như vậy, tổng cộng, ba lãnh đạo cấp cao của SBT đã chi khoảng hơn 100 tỷ đồng để hoàn tất 3 giao dịch gom mua cổ phiếu nêu trên.

Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu SBT chốt phiên ngày 22/12 ở mức 14.950 đồng/cổ phiếu, tăng 2,75% so với phiên hôm qua; tuy nhiên vẫn giảm mạnh so với vùng đỉnh hồi đầu năm nay là khoảng 25.000 đồng/ cổ phiếu.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I niên độ 2022-2023 (quý tài chính từ 1/7/2022- 30/9/2022), doanh thu thuần của SBT đạt 5.309 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 11,5% lên 12,5% so với cùng kỳ nhờ giá bán đường tăng (đường chiếm 90% tỷ trọng doanh thu của SBT). Nhờ tối ưu hoá chi phí giá thành sản phẩm và kiểm soát tốt chi phí tại các khâu, hiệu quả hoạt động kinh doanh của SBT ngày càng cải thiện theo chiều hướng tích cực với lãi ròng đạt 262 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ.

Trong niên độ tài chính 2022 - 2023, SBT đặt mục tiêu doanh thu đạt 17.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 850 tỷ đồng, chia cổ tức từ 4 - 6%

Trong báo cáo ngày 6/12, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) phân tích tích cực về triển vọng tăng trưởng của SBT, dự phóng doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 20.229 tỷ đồng và 1.077 tỷ đồng tăng lần lượt 10% và 29% và vượt kế hoạch năm của doanh nghiệp. MAS cũng cho rằng SBT có nhiều triển vọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Dự báo ngành đường 'khởi sắc' trong niên vụ 2022-2023

Theo báo cáo sản xuất mía đường tháng 11 của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), các nguồn cung đường phong phú, đặc biệt hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu tiếp tục hoạt động mạnh trong tháng 11. Ngoài đường nhập lậu còn có đường nhập khẩu từ Indonesia, Myanmar, Lào, Australia (đường trong hạn ngạch nhập khẩu) và các loại đường nguồn gốc nhập khẩu đã hoàn toàn làm chủ thị trường và kéo giá đường trong tháng xuống thấp hơn tháng 10.

Giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng và cỡ hạt) và đường nhập lậu (giá có VAT, đồng/kg) dao động ở mức như sau:

Loạt lãnh đạo cấp cao Thành Thành Công (SBT) chi hàng trăm tỷ gom mua cổ phiếu - Ảnh 1.

Ảnh:Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA)

Như vậy trong tháng 11, giá mía đường nội địa của Việt Nam đã thấp hơn hẳn so với các nước trong khối Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đặc biệt chỉ bằng khoảng 50% so với giá đường tại Philippine.

Loạt lãnh đạo cấp cao Thành Thành Công (SBT) chi hàng trăm tỷ gom mua cổ phiếu - Ảnh 2.

Ảnh: Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA)

Theo báo cáo cập nhật ngành đường của Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) hồi tháng 8, nhóm phân tích nhận định các biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với đường nhập khẩu đang phát huy hiệu lực và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành.

Tương tự,  Hiệp hội Mía đường Việt Nam dự báo niên vụ 2022/23 dự báo sẽ là một năm khởi sắc của ngành đường Việt Nam sau khi có Quyết định số 1514/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Vương quốc Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar trong thời hạn 5 năm.

Trước đó, ngày 2/8, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu.

Các biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm đường mía từ 5 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Campuchia, Lào, Myanmar) có thời gian triển khai từ ngày 8/8 đến ngày 15/6/2026. Đường Thái Lan sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Như vậy, tổng mức thuế là 47,64%, áp dụng cho hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đường từ 5 nước trên mà có sử dụng đường nguyên liệu xuất xứ từ Thái Lan.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của ngành sản xuất trong nước và người nông dân trồng mía, đường nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar có sử dụng nguyên liệu đường của Thái Lan sẽ bị áp dụng cùng mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đang áp dụng với đường Thái Lan với tổng mức thuế là 47,64%, trong đó thuế chống bán phá giá là 42,99% và thuế chống trợ cấp là 4,65%. Đường nhập khẩu từ 5 quốc gia nếu chứng minh được sản xuất từ mía thu hoạch tại các quốc gia này sẽ không bị áp dụng biện pháp chống lẩn tránh.

Tại Đại hội cổ đông thường niên niên độ 2022-2023 diễn ra cuối tháng 10, Thành Thành Công đã trình cổ đông thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng quy mô nguồn vốn hoạt động. Số lượng dự kiến chào bán là gần 126 triệu cổ phiếu, tương đương 20% số cổ phiếu đang lưu hành.

Thời gian thực hiện trước ngày 30/6/2023, giá sẽ được uỷ quyền cho HĐQT xác định và công bố sau. Đối tượng phát hành là nhà đầu tư chuyên nghiệp, đủ năng lực đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán, có chiến lược phù hợp với Công ty.

Cổ phiếu đợt này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán. Công ty cũng thống nhất phương án phát hành trái phiếu với tổng mệnh giá tối đa 1.000 tỷ đồng, chủ trương sáp nhập công ty con theo phương án tái cấu trúc nhằm tối ưu hoá hoạt động.

Theo Doanh nhân Việt Nam
Cùng chuyên mục