Lối đi nào cho rau, quả Việt tới “trời” Âu?
Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ
Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, giai đoạn 2011 – 2018, rau quả là một trong những nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao và ổn định nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 26,5%/năm.
Tính riêng trong năm 2018, vượt qua các mặt hàng gạo, tiêu, chè, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỷ USD trở thành một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.
Hiện nay, mặt hàng rau quả của Việt Nam đã xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ước tính, dung lượng tiêu thụ hàng rau quả toàn thế giới mỗi năm đạt khoảng 240 tỷ USD, đây chính là cơ hội lớn để ngành rau hoa quả Việt Nam tiếp tục phát triển.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay, tính trên cả nước có hơn 1,8 triệu héc ta trồng rau, quả. Trong đó, nhiều vùng trồng cây ăn quả đã đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng. Theo đánh giá từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 5 tỷ USD.
"Điều này hoàn toàn có thể đạt được bởi không chỉ trái cây Việt Nam được thị trường trong và ngoài nước đánh giá cao, mà Việt Nam còn được coi là một trong những nước xuất khẩu rau, quả lớn của thế giới, nếu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất." ông Đặng Phúc Nguyên phân tích.
Tuy có dư địa phát triển lớn, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng, để đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu của những thị trường khó tính, ngành rau quả Việt Nam cần nhanh chóng thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đánh giá về khó khăn của rau quả Việt xuất khẩu tại thị trường châu Âu, ông Willem Schoustra, Tham tán nông nghiệp phụ trách Việt Nam và Thái Lan, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho hay, thách thức mà nông sản Việt Nam nói chung, mặt hàng rau quả nói riêng đang đối mặt đó là đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc bởi những quy định khắt khe của EU về chất lượng thực phẩm.
Theo ông Willem Schoustra đánh giá, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm nông sản, rau quả của EU rất lớn. Việt nam có lợi thế sản xuất các loại rau củ nhiệt đới với chủng loại đa dạng, phong phú. Cộng với việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam mà điển hình là rau, hoa, quả sẽ được mở cửa để tiếp cận thị EU trường tốt hơn. Tuy nhiên, ngành nông sản vẫn cần nâng cao chất lượng để đáp ứng thị trường.
Nâng cao chất lượng, xóa tan ấn tượng xấu về nông sản Việt
Tuy có nhiều lợi thế về tiềm năng trong sản xuất và xuất khẩu rau quả nhưng thời gian gần đây, Việt Nam liên tục nhận được cảnh báo về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm từ EU.
Điển hình như giữa năm 2011, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng EC (Ủy ban Châu Âu) đã gửi thông báo về việc có 50 trong tổng số hơn 60 doanh nghiệp xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang thị trường này không đạt chất lượng, rau quả bị nhiễm sâu đục quả, sâu đục lá…
Giữa tháng 3/2012, phía EU lại phát hiện hai sản phẩm rau xanh nhập khẩu từ Việt Nam có sâu đục lá. Sau đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT buộc phải thông báo ngừng cho phép xuất khẩu năm mặt hàng rau sang EU.
Đến năm 2014, Tổng vụ Sức khỏe và Người tiêu dùng EC ra thông báo liên tiếp về 3 chuyến hàng cây húng quế và mướp đắng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU bị phát hiện có vi khuẩn gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Cục Bảo vệ thực vật buộc phải quyết định tạm dừng cấp phép kiểm dịch thực vật đối với một số mặt hàng rau thơm, rau gia vị xuất khẩu sang EU đến ngày 1/2/2015.
Trong năm 2016, EU đã tăng tần suất kiểm tra mặt hàng Thanh Long của Việt Nam lên 20%. Tần suất kiểm tra đối với một số mặt hàng rau gia vị, được tăng lên 50%. Nguyên nhân được EU đưa ra là do phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép trên sản phẩm…
Đánh giá về thực trạng trên, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, muốn nâng cao chất lượng nông sản hướng tới mục tiêu xuất khẩu phải bắt đầu từ việc thay đổi tư duy, nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm theo chuỗi. Các doanh nghiệp thu mua, chế biến phải đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết chặt chẽ với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát việc truy suất nguồn gốc sản phẩm.
Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thanh Phương, Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương thông tin thêm, chất lượng nông sản Việt Nam chưa đồng đều và ổn định là do sản xuất manh mún, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tiêu chuẩn cụ thể. Do đó, người sản xuất cần chuyển đổi phương thức sản xuất sang tập trung, quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao nhằm cải thiện chất lượng nông sản.
Trong bối cảnh các Hiệp định đối tác như CPTPP, FTA có hiệu lực, ngành nông sản, đặc biệt là lĩnh vực rau quả cần gấp rút thay đổi để tận dụng lợi ích, mở đường vào các thị trường có quy mô lớn, sức tiêu thụ mạnh.