Lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn giảm mạnh
Bộ Tài chính mới đây đã trả lời một số vấn đề được dư luận quan tâm, trong có nội dung liên quan tới tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến ngày 21/6/2024 có 41 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với khối lượng 110,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2,6 so với cùng kỳ năm 2023), trong đó tổ chức tín dụng chiếm 63,2% (69,6 nghìn tỷ đồng), doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,6% (31,5 nghìn tỷ đồng).
Về cơ cấu nhà đầu tư, nhà đầu tư là tổ chức mua trái phiếu trên thị trường sơ cấp chiếm 94,8% khối lượng phát hành, tập trung vào các tổ chức tín dụng (53,5%) và công ty chứng khoán (21,9%). Các nhà đầu tư cá nhân chiếm 5,2%.
Lãi suất phát hành bình quân 7,41%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 3,78 năm, 14,5% trái phiếu phát hành có điều khoản đảm bảo. Khối lượng mua lại trước hạn là 59,8 nghìn tỷ đồng (giảm 39% so với cùng kỳ năm 2023).
Nhằm ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã báo cáo Lãnh đạo Chính phủ tổng thể các giải pháp điều hành.
Cụ thể, thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, ổn định thị trường bất động sản.
Theo dõi thanh toán thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến hạn và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thị trường và nâng cao hiệu quả quản lý giám sát.
Rà soát tổng thể để hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các Luật liên quan. Đồng thời, nghiên cứu chính sách khuyến khích xếp hạng tín nhiệm, thúc đẩy lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức. Bên cạnh đó, tăng cường nguồn lực, nhân sự cho các cơ quan thanh, kiểm tra của UBCKNN và NHNN.
Các giải pháp nêu trên đã được Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt và giao các Bộ ngành thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai phối hợp đồng bộ các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, phục hồi thị trường bất động sản. Trong đó, cùng với việc điều hành tỷ lệ tăng trưởng tín dụng phù hợp thì các biện pháp đảm bảo minh bạch, nâng cao chất lượng trên thị trường sẽ hỗ trợ để thị trường tự điều chỉnh, ngăn chặn các trường hợp lợi dụng chính sách và phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững hơn.