Quảng Ninh xử phạt 94 tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm
Trong tháng 4/2024, toàn tỉnh Quảng Ninh có 94 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (ATTP) do các sở, ngành và UBND các địa phương thực hiện với tổng số tiền xử phạt trên 690 triệu đồng.
Cụ thể, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh xử phạt 45 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 330 triệu đồng; Công an tỉnh Quảng Ninh xử phạt 16 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền trên 117 triệu đồng; UBND các địa phương xử phạt 33 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền 183 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu do kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thực phẩm; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là thực phẩm và vi phạm quy định về ATTP.
Đáng chú ý, có 22 tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về ATTP do có hành vi vi phạm mức độ và nguy cơ cao ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Quảng Ninh xử phạt 94 tổ chức, cá nhân vi phạm VSATTP. Trong ảnh, đội Quản lý thị trường số 2 tịch thu 110kg quả lê nhập lậu. Ảnh: QMG
Điển hình như: Cửa hàng Việt Nhã - địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Du lịch thế giới mới MC (Đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú, TP Móng Cái) bị xử phạt 70 triệu đồng; đại lý cửa hàng Đại Dương Quốc tế (Đại lộ Hòa Bình, phường Trần Phú, TP Móng Cái) bị xử phạt 50 triệu đồng; hộ ông Phạm Văn Lâm (thôn Đông Hợp, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) bị xử phạt 42,5 triệu đồng; hộ ông Phùn Văn Vượng (TP Móng Cái), hộ ông Đặng Đức Minh (TP Hạ Long) cùng bị xử phạt 35 triệu đồng;…
Các tổ chức, cá nhân này đều bị xử phạt vì những hành vi như: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; kinh doanh thực phẩm mà không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…
Để đảm bảo vệ sinh ATTP mùa cao điểm của du lịch năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 3 đoàn liên ngành kiểm tra an toàn thực phẩm thực hiện kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại 13/13 địa phương của tỉnh. Trong đó, đặc biệt lưu ý các địa bàn trọng điểm du lịch, tăng cường kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm theo đúng quy định. Cùng với đó, các ngành, đơn vị liên quan cũng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định đảm bảo VSATTP; hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận ATTP; đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.
Các địa phương cũng thành lập đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra VSATTP trên địa bàn, trong đó tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao mất VSATTP; cơ sở lưu trú, nhà hàng, khách sạn; cơ sở chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm; tăng cường kiểm tra chuyên đề và đột xuất, nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông hàng hóa, kinh doanh, chế biến trên địa bàn kiên quyết không để hình thành các điểm nóng về mất VSATTP, buôn lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc; chủ động các biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm trên địa bàn, sẵn sàng phương án tiếp nhận, cấp cứu, điều trị kịp thời người bị ngộ độc thực phẩm; duy trì đường dây nóng thường trực 24/24h tiếp nhận thông tin về VSATTP...