"Made in Vietnam" sau 5 năm đề xuất vẫn không ra được quy định

An Linh Thứ ba, ngày 08/08/2023 09:23 AM (GMT+7)
Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về những khó khăn khi xây dựng quy chuẩn "Made in Vietnam" - "sản xuất tại Việt Nam" sau 5 năm đề xuất, đến nay vẫn không đưa ra được các quy định, quy chuẩn cụ thể.
Bình luận 0

5 năm thai nghén, nhiều lần sửa đổi vẫn không ra được quy định "Made in Vietnam"

Theo Bộ Công Thương, một trong những bế tắc nhất là chưa có tiêu chí thế nào là "Made in Vietnam", cơ quan này cũng lo lắng việc đưa ra nhiều quy định sẽ phát sinh chi phí cho doanh nghiệp.

Trước đó, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ xây dựng quy chuẩn "Made in Vietnam" từ năm 2018. Sau khi đưa ra ý kiến dư luận, Bộ Công Thương đề xuất hướng xây dựng này ở tầm Thông tư, tuy nhiên Bộ đã chuyển sang hướng xây dựng Nghi định (Chính phủ phê duyệt, ban hành).

"Made in Vietnam" thai nghén 5 năm vẫn không ra được quy định - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết sau 5 năm nghiên cứu vẫn không đưa ra được quy chuẩn "Made in Vietnam" (Ảnh: Công nhân Samsung Việt Nam kiểm tra sản phẩm - Samsung).

Một trong những khó khăn được Bộ Công Thương nêu ra chính là nếu quy định "xuất xứ hàng hóa" là một nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa, mọi hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định. Điều này sẽ có tác động rất lớn với doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc, xác định xuất xứ của từng linh kiện, nguyên liệu không dễ, rất tốn kém. Chưa kể các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã quen với các khái niệm trong lĩnh vực xuất xứ như hàm lượng giá trị, chuyển đổi mã số, mã số HS; có nhân lực và hệ thống sổ sách kế toán để tính toán các thông số nên việc tuân thủ không khó khăn. Ngược lại, quy định này sẽ là trở ngại với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ kinh doanh cá thể, thậm chí có thể sẽ phát sinh chi phí tuân thủ lớn cho doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho rằng, việc ban hành quy định, điều kiện mới, có khả năng phát sinh chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp là chưa phù hợp. 

Chính vì vậy, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục cùng Bộ Tư pháp và các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý những vướng mắc về thẩm quyền ban hành Thông tư và xem xét ban hành quy định này theo thẩm quyền tại thời điểm thích hợp để hạn chế tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại bản dự thảo Nghị định về xuất xứ hàng hoá do Bộ Công Thương công bố ngày 1/8, hàng hóa cũng bị coi không phải hàng của Việt Nam khi chỉ dán lên sản phẩm hoặc bao gói của sản phẩm các nhãn hiệu, nhãn, mác hay các dấu hiệu phân biệt tương tự hay lắp ráp đơn giản các bộ phận của sản phẩm để tạo nên một sản phẩm hoàn chỉnh.

Thực tế, theo giới chuyên gia và doanh nghiệp, quy định "Made in Vietnam" chỉ dự vào giá trị gia tăng, khu vực sản xuất hay địa giới, mã nguồn sản phẩm sẽ rất khó cho doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hoá, chuỗi liên kết sản xuất đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Nhiều sản phẩm của các hãng lớn, quốc gia phát triển nhưng được mua cấu thành linh kiện, phụ kiện hoặc nguyên liệu khác nhau từ các nước khác. Do đó, lượng hoá, tính toán tỷ trọng nội địa hoá là bao nhiêu % để căn cứ xét duyệt quy chuẩn sản phẩm đó là "Made in" là rất khó khăn. Chính vì vậy, thay vì nhiều người cho rằng cần thay đổi quy định sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, hoặc nghiên cứu tại Việt Nam sẽ phù hợp hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem