Mảng công nghệ dẫn dắt 57% doanh thu và 45% lợi nhuận FPT trong 6 tháng đầu năm

23/07/2022 12:28 GMT+7
Khối công nghệ thông tin đã đóng góp 57% doanh thu và 45% lợi nhuận trước thuế cho tập đoàn FPT trong sáu tháng đầu năm nay.

Công ty CP FPT (HoSE: FPT) vừa công bố Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý II/2022 với doanh thu đạt 10.096 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2021. Giá vốn bán hàng tăng tương đương với doanh thu 17% lên 6.080 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 4.015 tỷ, tăng 17%.

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 506,2 tỷ đồng, tăng 110% , trong khi đó chi phí tài chính giảm từ 361,8 tỷ đồng về 336,8 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 22,4% lên 1.016 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 27% lên 1.418 tỷ đồng.

Mảng công nghệ dẫn dắt 57% doanh thu và 45% lợi nhuận FPT trong 6 tháng đầu năm - Ảnh 1.

Kết thúc quý II/2022, FPT báo lãi sau thuế đạt 1.561 tỷ đồng, tăng 24%, trong đó, lợi nhuận của Cổ đông Công ty mẹ chiếm 80,6% với 1.251 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ).

Trong 6 tháng đầu năm, FPT vẫn giữ được kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng với doanh thu hợp nhất và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 19.826 tỷ và 3.637 tỷ đồng, tăng 22,2 và 24% so với cùng kỳ.

Theo giải trình, kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt chủ yếu do tăng trưởng của khối công nghệ và khối viễn thông.

Cụ thể, khối công nghệ doanh thu đạt 11.252 tỷ đồng, tăng 23,7% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.625 tỷ đồng, tăng 24,4% chiếm tỷ trọng lần lượt 57% và 45% doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn. Trong đó, Dịch vụ Công nghệ thông tin nước ngoài đem về doanh thu 8.622 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận trước thuế 1.362 tỷ đồng, tăng 28,4%, chiếm tỷ trọng lần lượt 43% và 38% doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Ở khối viễn thông: Doanh thu đạt 7.077 tỷ đồng, tăng 15,5% và lợi nhuận trước thuế đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 20,8%, chiếm 36% tỷ trọng doanh thu và 40% lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn. Trong đó, dịch vụ viễn thông đem về 6.727 tỷ đồng doanh thu, tăng 15% và lợi nhuận trước thuế 1.288 tỷ đồng, tăng 20,6% chiếm tỷ trọng lần lượt 34% và 35% doanh thu và lợi nhuận trước thuế.

Tổng tài sản tính đến cuối tháng 6 của FPT đạt 56.295 tỷ đồng, tăng 4,8% so với đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền giảm 3,6% về 5.219 tỷ đồng, trong đó tiền là 3.951 tỷ đồng; đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có 21.520 tỷ đồng; phải thu ngắn hạn khách hàng đạt 6.460 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 46,4% lên 2.207 tỷ đồng.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ lên 32.884 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 92,6% với 30.461 tỷ đồng; vay nợ thuê tài chính tăng 11% lên 19.720 tỷ đồng.

FPT mới đây cũng thông qua phương án chi trả cổ tức đợt 1 năm 2022 bằng tiền mặt với tỷ lệ 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 1.000 đồng.

Theo đó, ngày 25/8 là ngày đăng ký cuối cùng và ngày 12/9 là ngày thanh toán.

Với 1,097 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT sẽ chi xấp xỉ 1.100 tỷ đồng để thanh toán cổ tức. Ngày dự kiến thực hiện là 12/9.

Tháng trước, FPT đã phát hành hơn 182,8 triệu cổ phiếu để chia cổ tức năm 2021, tương ứng tỷ lệ thực hiện quyền là 20%. Nguồn vốn phát hành từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty mẹ tại thời điểm ngày 31/12/2021.

Năm 2022, FPT kỳ vọng tăng trưởng doanh thu là 19%, đạt 42.420 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 20,2% lên 7.618 tỷ đồng.

Theo SSI Research, lợi nhuận của FRT đạt đỉnh trong quý IV năm 2021 (cả giá trị tuyệt đối và % tăng trưởng so với cùng kỳ), nhờ doanh thu máy tính xách tay cao bất thường, do đó lợi nhuận quý 4 năm 2022 sẽ giảm so với mức cao của năm ngoái. FRT vẫn có thể tăng lợi nhuận vào năm 2023 (dù rất ít) nhờ thị phần trong ngành bán lẻ ICT tăng lên. Lợi nhuận năm 2023 của FRT cũng sẽ được hỗ trợ từ lợi nhuận của chuỗi nhà thuốc. Nhờ có kinh nghiệm lâu đời trong kinh doanh bán lẻ dược phẩm, Long Châu sẽ tiếp tục giành thị phần từ các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ.


Ong Lý
Cùng chuyên mục