Lafooco tiếp tục báo lãi tại quý II/2021, gấp 2,7 lần cùng kỳ

26/07/2021 11:06 GMT+7
Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, HNX: LAF) quý II/2021 ghi nhận lợi nhuận ròng đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Công ty Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco, HNX: LAF) – một thành viên của Tập đoàn PAN vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2021 với doanh thu thuần giảm 30% so với cùng kỳ, đạt 67,5 tỷ đồng.

Giá vốn Lafooco giảm mạnh hơn nên lợi nhuận gộp thu về hơn 13,5 tỷ đồng, tăng 60,7% so cùng kỳ năm 2020.

Lafooco tiếp tục báo lãi tại quý II/2021, gấp 2,7 lần cùng kỳ - Ảnh 1.

Nguồn: BCTC quý II/2021. Đơn vị: tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính tăng nhẹ lên 1,8 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 3,6% còn 2,7 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1 tỷ đồng lên 3,4 tỷ đồng.

Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng đạt xấp xỉ 6 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ.

Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, trong quý II công ty đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào giá thấp, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất dẫn đến giá vốn trong kỳ giảm. Đây là nguyên nhân chủ yếu giúp lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng trong quý II, Lafooco đã khai trương website bán hàng trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh tiêu thụ cho các sản phẩm của công ty. Theo định hướng phát triển, ban lãnh đạo công ty cho biết đang đẩy mạnh chuyển đổi dần cơ cấu sản phẩm từ điều thô sang các sản phẩm giá trị gia tăng, hạt và trái cây sấy khô.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 124,5 tỷ đồng, giảm 26% nhưng lợi nhuận sau thuế gấp 2,9 lần so với nửa đầu năm ngoái, đạt 11,5 tỷ đồng.

Tại quý I/2021, doanh thu thuần của LAF đạt hơn 57 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ là do ảnh hưởng của dịch bệnh, giảm sức mua thị trường, dẫn đến tình hình tiêu thụ sản phẩm của công ty sụt giảm.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng tới 195% từ 1,87 tỷ lên hơn 5,5 tỷ đồng do công ty chủ động sàng lọc, cơ cấu các sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao.

Năm 2021, công ty dự kiến doanh thu thuần đạt 490 tỷ; lợi nhuận trước thuế đạt 29 tỷ đồng.

Cũng trong năm nay công ty có kế hoạch chia cổ tức dự kiến ở mức 10%-20% vốn. Đây là năm công ty dự kiến chia cổ tức trở lại kể từ năm 2010 đến nay.

Cổ phiếu LAF trên sàn hiện giao dịch quanh mức 15.000 đồng/cổ phiếu. So với đầu năm, giá cổ phiếu hiện đã tăng hơn 30%.

Theo tìm hiểu, CTCP Chế biến hàng Xuất khẩu Long An tiền thân là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1985, chính thức cổ phần hóa ngày 01/07/1995, đổi tên thành CTCP Chế biến hàng XK Long An (Lafooco).

Đến năm 2015, sau khi chi ra gần 70 tỷ đồng để mua thêm 4,8 triệu cổ phiếu LAF của Công ty Cổ phần Chế biến Hàng xuất khẩu Long An (Lafooco), Công ty Cổ phần Thực phẩm PAN (PAN Food) đã chính thức trở thành công ty mẹ của Lafooco.

PAN Food là đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Xuyên Thái Bình Dương (PAN), do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch. Ông Hưng cũng là Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn. Ngay khi thành lập PAN Food vào cuối năm 2014, nhất là sau khi tăng vốn điều lệ của công ty này từ mức 100 tỉ đồng lên 1.000 tỉ đồng vào đầu năm nay, PAN đã giao cho PAN Food nhiệm vụ trở thành công ty nông nghiệp thực phẩm hàng đầu tại Việt Nam và Đông Nam Á.

Mới đây, thông tin trên truyền thông cho biết, hạt điều rang muối của Lafooco đang đứng vị trí số 1 trong danh sách những sản phẩm hạt điều mới bán chạy nhất trên Amazon.

Hai sản phẩm khác của công ty này là hạt điều Organic rang không muối và hạt điều Organic rang muối cũng nằm trong Top 10, lần lượt xếp vị trí số 3 và 4. Trên nền tảng thương mại điện lớn nhất thế giới, thương hiệu Việt cũng được khách hàng đánh giá 5 sao cùng bình luận tích cực.

Các sản phẩm hạt điều của Lafooco bắt đầu bán tại Mỹ qua Amazon từ khoảng 2 tuần trước. Ngoài 3 sản phẩm nằm trong Top 10, Lafooco còn bán một sản phẩm khác tại quốc gia này là nhân điều Organic.

Liên quan đến đến PAN, ngày 12/05, HĐQT CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) đã quyết định phương án tái cấu trúc sở hữu mảng kinh doanh thực phẩm CTCP Thực phẩm PAN.

Điều này thực hiện theo kế hoạch tái cấu trúc mảng kinh doanh thực phẩm đã được HĐQT thông qua tại Nghị quyết ngày 08/03/2021.

PAN sẽ nhận chuyển nhượng cổ phần của 5 công ty từ tay CTCP thực phẩm PAN, nâng sở hữu lên mức từ 50-81% vốn tại các công ty này. Trong đó có 4 doanh nghiệp đang niêm yết trên trên sàn gồm LAF, ABT, BBC và FMC. Phương án cụ thể như sau:

Thời gian thực hiện dự kiến sẽ rơi vào quý II và quý III/2021. Giá chuyển nhượng thực hiện theo giá thị trường tại thời điểm giao dịch.

An Vũ
Cùng chuyên mục