Mía đường Sơn La: Lãi ròng vượt 284% kế hoạch cả niên vụ

25/07/2024 08:22 GMT+7
CTCP Mía đường Sơn La (mã: SLS) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV niên độ 2023 - 2024 (kỳ tài chính từ 1/4/2024 - 30/6/2024) với kết quả khả quan.

Trong kỳ, SLS ghi nhận doanh thu thuần đạt 551,4 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ, ở mức 317,5 tỷ đồng; lãi gộp đạt 234 tỷ đồng. Biên lợi nhuận tăng từ 42% lên 42,5%.

Doanh thu tài chính tăng 43% lên 7,3 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 47% xuống 973 triệu đồng; chi phí quản lý giảm 99% xuống 51,7 triệu đồng.

Kết quả, SLS báo lãi sau thuế 235 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước đó.

Mía đường Sơn La: Lãi ròng vượt 284% kế hoạch cả niên vụ- Ảnh 1.

SLS báo lãi sau thuế 235 tỷ đồng trong quý II/2024

Luỹ kế niên độ 2023 – 2024 (30/6/2023 – 30/6/2024), Mía đường Sơn La ghi nhận 1.412 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 526 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất của công ty kể từ khi niêm yết. EPS của công ty đạt 53.754 đồng trong niên độ vừa qua.

Niên độ 2023 - 2024, Mía đường Sơn La đặt kế hoạch doanh thu thuần 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng, giảm lần lượt 39% và gần 74% so với niên độ trước. Như vậy, công ty vượt 284% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Tính tới 30/6/2024, tổng tài sản của Mía đường Sơn La đạt 1.695,7 tỷ đồng, tăng 26,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 86% xuống 18,5 tỷ đồng; tài sản tăng mạnh ở khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng, gấp 3,5 lần so với đầu năm, ở mức 539,6 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 32,4% lên 430,6 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả giảm 12,6% xuống 141 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn tăng 35,3% lên 61,7 tỷ đồng.

Ngành đường Việt Nam đã có một niên vụ bội thu với những kết quả ấn tượng. Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2023-2024, ngành đường đã ép được gần 11 triệu tấn mía, tăng 113% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng đường các loại đạt hơn 1,1 triệu tấn, tăng 122%.

Mặc dù giá đường thế giới đang trong xu hướng giảm do sản lượng đường tăng mạnh ở Brazil và triển vọng nguồn cung toàn cầu được cải thiện, giá đường trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá đường trong nước đã điều chỉnh giảm nhẹ về mức khoảng 20.000 đồng/kg nhưng vẫn cao do nguồn cung nội địa còn hạn chế. Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán Mirae Asset hồi tháng 7, sự hạn chế này góp phần duy trì giá đường trong nước ở mức cao.

Ngành đường Việt Nam đang đứng trước những thách thức và cơ hội mới. Việc sản lượng tăng mạnh cùng với giá đường trong nước giữ ở mức cao là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp trong ngành. Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng này, các doanh nghiệp cần tiếp tục cải thiện công nghệ sản xuất, tăng cường hiệu quả quản lý và tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ mới.

Mi Lan
Cùng chuyên mục