Mở cửa cho nhà đầu tư ngoại bán lẻ xăng dầu
Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, nội dung đáng chú ý là quy định tạo thuận lợi để các doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài tham gia phân phối xăng dầu trong nước.
Được chuyển nhượng không quá 35% vốn
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014 nêu rõ: Ngoài các thương nhân kinh doanh xăng dầu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35%.
Lý giải về đề xuất này, đại diện Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo nghị định, cho hay xăng dầu là mặt hàng chiến lược, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, an ninh năng lượng nên khi mở cửa lĩnh vực này, bộ đã tính toán rất kỹ. Thực tế trong những năm vừa qua, sau quá trình cổ phần hóa, nhiều công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã là công ty có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đơn cử như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã cổ phần hóa, có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài với 20% số vốn. PVOil cũng duyệt cổ phần hóa cho nhà đầu tư nước ngoài với mức 35%... Mặt khác, đến nay Việt Nam đã mở cửa cho nhà đầu tư ngoại tham gia đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng như điện, dầu khí, hàng không… Đặc biệt, khi có sự tham gia của nhà đầu tư ngoại vào một số DN nhà nước lớn được Thủ tướng cho phép đã góp phần cải thiện đáng kể quản trị DN, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh, đặc biệt là giúp giá trị DN tăng thông qua giá trị cổ phiếu.
“Thực tiễn đã có các trường hợp như vậy và Thủ tướng cũng có văn bản chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu để đồng nhất các văn bản quy phạm pháp luật cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực xăng dầu. Cạnh đó, từ góc độ của pháp luật, khi gia nhập WTO mình không cam kết đối với lĩnh vực này, tức là mình có quyền mở cửa khi nào hệ thống phân phối ngành xăng dầu đã đủ mạnh. Từ thực tiễn, từ cơ sở pháp lý và nhu cầu của DN Việt muốn có sự tham gia hợp tác của nhà đầu tư nước ngoài để thu hút thêm vốn, công nghệ một cách công khai, minh bạch” - đại diện Vụ Thị trường trong nước lý giải.
Tiếp tục phân tích về việc tại sao chỉ được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài không quá 35% số vốn, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước cho biết: Bộ Công Thương và ban soạn thảo đề xuất nhà đầu tư nước ngoài chỉ được sở hữu 35% vốn, vì như vậy họ không có quyền chi phối các vấn đề trong điều hành hoạt động xăng dầu.
“Điều này có nghĩa là các công ty xăng dầu trong nước vẫn nắm được quyền chi phối, mà lại có thêm vốn, công nghệ để nâng cao sản xuất, quản trị” - vị lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước nói.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc dự thảo đề xuất cho phép thương nhân kinh doanh xăng dầu được quyền chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 35% là hợp lý.
Tiến tới thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự
“Nếu để cho nhà đầu tư nước ngoài số cổ phần khoảng 20%-25% thì thấp quá, họ bỏ vốn vào đó mà không có quyền gì thì họ cũng không tin, không mặn mà. Tuy nhiên, nếu để cho sở hữu cao quá, hơn 35% thì nguy cơ bị họ nắm quyền chi phối, lũng đoạn. Do đó, mức 35% là hợp lý vì nó tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho các công ty kinh doanh xăng dầu trong nước. Đồng thời, các công ty của Việt Nam có thể tiếp thu những công nghệ, mô hình quản trị của nước ngoài để nâng cao thị trường của mình khi hội nhập” - ông Long nhấn mạnh.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cũng cho rằng đây là bước đi ban đầu để từ đó xây dựng được một thị trường xăng dầu cạnh tranh thực sự, đó là tự do hóa việc kinh doanh bán lẻ xăng dầu trong thị trường nội địa.
Tuy nhiên, xăng dầu vẫn là lĩnh vực nhạy cảm với nền kinh tế, nhất là với kinh doanh vận tải nên trước mắt cần sự điều phối của Nhà nước. Do vậy, việc xác định tỉ lệ cổ phần kinh doanh xăng dầu cho phép người nước ngoài vào ở các công ty kinh doanh xăng dầu là điều cần thiết.
“Trước đây chúng ta cũng từng mở cửa cho một số nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh xăng dầu có cổ phần trong Tổng Công ty Dầu Bình Sơn, Nghi Sơn tham gia bán lẻ ở thị trường Việt Nam rồi. Qua đó cũng rút ra nhiều bài học quản lý, kinh doanh từ các DN này” - ông Thịnh nói.