Moody’s xem xét điều chỉnh bậc tín nhiệm của 17 ngân hàng Việt Nam

11/10/2019 06:39 GMT+7
17 ngân hàng trong nước bị xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm bởi Moody’s lần này gồm cả nhóm ngân hàng quốc doanh là Agribank, Vietinbank, Vietcombank, BIDV…

Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service vừa thông báo về việc đưa 17 ngân hàng Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc xếp hạng tín nhiệm trong kỳ sắp tới.

Thông báo được đưa ra sau một ngày hãng xếp hạng tín nhiệm này công bố việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam, hiện ở mức Ba3.

Theo lý giải từ Moody's, hành động xem xét này hoàn toàn phụ thuộc vào việc xem xét hạ xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam đưa ra hôm trước, và không phản ánh sự suy yếu trong hồ sơ tài chính của các ngân hàng. Theo đó, 17 ngân hàng này sẽ chịu sự ảnh hưởng khác nhau bởi đánh giá của hãng về xếp hạng tín nhiệm với Việt Nam.

Moody's cũng khẳng định có thể giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của 17 nhà băng trên với triển vọng ổn định, nếu tín nhiệm của Việt Nam cũng được giữ ở Ba3 với triển vọng tương tự.

Trong trường hợp ngược lại, nếu tổ chức này hạ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam đi xuống thì xếp hạng của các nhà băng cũng sẽ đi xuống theo.

Hiện, bậc BCA Ba3 của Vietcombank đang được xem xét lại, trong khi bậc BCA của VietinBank, Agribank và BIDV không bị ảnh hưởng bởi quyết định của Moody's công bố ngày 1/10, vì bậc BCA của họ đang thấp hơn mức Ba3.

Đồng thời, bậc tín nhiệm rủi ro đối tác (CRR) và CRA dài hạn của Vietcombank, Agribank và BIDV đang được Moody's xem xét lại, trong khi bậc CRR và CRA của VietinBank không bị ảnh hưởng. Điều này là do khác biệt về bậc BCA và những đánh giá tín nhiệm sơ bộ của những ngân hàng này.

Ngoài ra, việc đánh giá lại ABB, OCB, TPBank, VIB và VPBank chỉ giới hạn về bậc tín nhiệm tiền gửi bằng ngoại tệ (B1) của những ngân hàng, vốn cũng có liên quan đến mức trần tín nhiệm tiền gửi bằng ngoại tệ (B1).

Việc đánh giá HDBank và Liên Việt Bank chỉ tác động đến bậc tín nhiệm về nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của những ngân hàng này. Trong khi đó, MSB, Nam Á Bank và SHB chỉ bị tác động đến CRR và CRA.

Trước đó, ngày 9/10, Moody's cũng đã phát đi thông tin về việc xem xét hạ mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đối với các khoản vay bằng nội tệ và ngoại tệ của Chính phủ Việt Nam, hiện ở mức Ba3.

Moody's cho biết cơ sở để tổ chức này đưa ra quyết định trên do đánh giá rằng những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính lý giải đây là nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Theo đó, Moody's cần xác định rõ nghĩa vụ nợ dự phòng và nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.

Bộ cũng khẳng định việc Moody's đưa Việt Nam vào diện xem xét để hạ bậc chỉ dựa trên một sự việc riêng lẻ là không phù hợp. 

Từ đó, Bộ Tài chính mong Moody's sớm có nhìn nhận, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên và sẵn sàng trao đổi, làm việc và cung cấp thông tin cho Moody's và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm khác để đảm bảo có thông tin đầy đủ và chuẩn xác.

17 ngân hàng Việt được Moody's đề cập đến bao gồm:

(1) Ngân hàng TMCP An Bình (ABB)

(2) Ngân hàng TMCP Á châu (ACB)

(3) Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank)

(4) Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

(5) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

(6) Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB)

(7) Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank)

(8) Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)

(9) Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

(10) Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

(11) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

(12) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agirbank)

(13) Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

(14) Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

(15) Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB)

(16) Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank)

(17) Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank)

Lê Thúy
Cùng chuyên mục