Một nửa thế giới có nguy cơ nhiễm Covid-19
Hôm 18/3, các nhà phân tích của Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) công bố một ghi chú cho thấy nguy cơ Covid-19 lây nhiễm cho khoảng 50% dân số toàn cầu, với 20% các ca bệnh nghiêm trọng và 1-3% tỷ lệ tử vong.
Do tác động của đại dịch, EIU hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 từ 2,3% xuống 1%, mức tăng trưởng thấp nhất kể từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) từng cảnh báo thế giới sẽ thiệt hại 2.680 tỷ USD nếu Covid-19 trở thành đại dịch, và phải đến quý IV năm nay, tăng trưởng GDP toàn cầu mới có thể phục hồi. Kịch bản đó giờ đây đang dần trở thành hiện thực khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu còn Mỹ cũng nhanh chóng ban hành tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Trước đó, một báo cáo trình lên Quốc hội Mỹ dự đoán khoảng 150 triệu người Mỹ có nguy cơ bị nhiễm Covid-19, trong khi Canada ước tính 30-70% dân số đối diện rủi ro nhiễm bệnh. Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi đầu tháng 3 cũng dự báo khoảng 70% dân số nước này có thể nhiễm virus corona khi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu.
Theo dữ liệu thống kê từ đại học John Hopkins, tính đến hôm 18/3, số ca nhiễm virus corona trên toàn thế giới đã vượt quá hơn 200.000 người với hơn 8.000 ca tử vong và 82.000 ca hồi phục. Theo các nhà phân tích EIU, tỷ lệ tử vong sẽ phụ thuộc vào thời gian phát nghiện, theo dõi và khả năng điều trị dịch bệnh một cách hiệu quả. Tức là tỷ lệ tử vong sẽ càng cao ở các quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe kém phát triển như các nước châu Phi cận sa mạc Sahara.
Trong một nghiên cứu lớn được Trung Quốc tiến hành về Covid-19 hồi tháng trước, các nhà khoa học nước này tính toán ra tỷ lệ tử vong bình quân vì dịch virus này khoảng 2,3%. Trong khi đó, Italy, quốc gia tâm chấn dịch bệnh Covid-19 tại Châu Âu, đã ghi nhận tỷ lệ tử vong cao bất thường với 2.500 ca tử vong trong tổng số 31.506 ca nhiễm bệnh được ghi nhận. Iran cũng là quốc gia có tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh cao với 1.135 ca tử vong trong tổng số 17.361 ca nhiễm bệnh.
Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cũng đưa ra cảnh báo rằng dịch Covid-19 có khả năng phát triển thành căn bệnh theo mùa tương tự như bệnh cúm hiện nay, với một đợt bùng phát khác vào mùa đông năm 2020 hoặc 2021. Các nhà phân tích cho rằng khó có khả năng vaccine chữa bệnh sẽ được tung ra thị trường cho đến ít nhất cuối năm 2020, dù nhiều cơ quan y tế trên toàn cầu đang nỗ lực thử nghiệm và phát triển.
Tại Mỹ, một loại vaccine chống virus corona đã bắt đầu được thử nghiệm trên người đầu tuần này sau khi các thử nghiệm trên động vật chứng minh hiệu quả rõ rệt. Nhưng sẽ mất tới ít nhất một năm để đợt vaccine như vậy được tung ra hàng loạt trên thị trường.