Deutsche Bank: lạm phát tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng, kịch bản những năm 70 có thể lặp lại

08/06/2021 13:01 GMT+7
Cảnh báo từ các nhà kinh tế Deutsche Bank cho thấy lạm phát có nhiều khả năng sẽ trở thành vấn đề dai dẳng, tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng tại nhiều nền kinh tế trong những năm tiếp theo.

Một dự báo gần đây của Deutsche Bank chỉ ra rằng việc Ngân hàng Trung ương tập trung vào kích cầu và gạt bỏ mối quan ngại lạm phát nếu kéo dài sẽ trở thành một sai lầm, có thể tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng trong những năm tiếp theo.

Các nhà phân tích nhấn mạnh gợi ý của Cục Dự trữ Liên bang Fed gần đây rằng các quan chức Fed có xu hướng chấp nhận mức lạm phát cao hơn miễn là nền kinh tế phục hồi toàn diện và cho đến chừng nào thị trường lao động trở lại mức toàn dụng. Deutsche Bank nhận định việc Fed không thắt chặt chính sách tiền tệ bất chấp lạm phát liên tục tăng sẽ gây tác động nghiêm trọng trở lại cho nền kinh tế.

“Hậu quả của sự chậm trễ sẽ là sự gián đoạn hoạt động kinh tế và tài chính tiềm năng lớn hơn cả khi Fed hành động bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Việc lạm phát tăng mạnh có thể tạo ra một cuộc suy thoái đáng kể, thậm chí nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi” - nhà kinh tế trưởng của Deutsche Bank, David Folkerts-Landau, và nhóm cộng sự nhấn mạnh. 

Mức lạm phát mục tiêu 2% là mức Fed theo đuổi và cho là tối ưu, dù rằng hiện tại mọi thước đo lạm phát như chỉ số giá tiêu dùng hay chi tiêu cá nhân đều đã vượt qua mức này. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 4,2% trong tháng 4, một con số gây sốc cho thị trường ở thời điểm được công bố.

Bất chấp tốc độ gia tăng lạm phát được dự báo nhanh hơn dự kiến, các quan chức Fed vẫn duy trì lập trường chính sách tiền tệ lỏng lẻo để hỗ trợ đà tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương đang mua ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng và giữ lãi suất vay ngắn hạn ở mức tiệm cận 0 dù rằng nền kinh tế được cho là sẽ khởi sắc mạnh mẽ hơn dự kiến.

Deutsche Bank: lạm phát tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng, kịch bản những năm 70 có thể lặp lại - Ảnh 1.

Deutsche Bank: lạm phát tiềm ẩn nguy cơ gây khủng hoảng, kịch bản những năm 70 có thể lặp lại

Thị trường từ lâu đã quan ngại rằng các gói kích thích khổng lồ và đà phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế có nguy cơ gây ra lạm phát trong năm nay, buộc các ngân hàng Trung Ương phải tăng lãi suất hoặc giảm quy mô chương trình mua trái phiếu sớm hơn dự kiến.

Tuy nhiên cho đến nay, nhiều quan chức Fed như Thống đốc Jerome Powell và hầu như mọi nhà hoạch định chính sách khác đều đồng tình về việc giữ nguyên chính sách tiền tệ nới lỏng. Fed cam kết không tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát cao hơn mức 2% của Ngân hàng Trung Ương, cho đến chừng nào nền kinh tế khôi phục toàn diện và thị trường lao động trở về trạng thái toàn dụng.

“Tôi muốn những tín hiệu chắc chắn hơn rằng chúng ta đã thoát khỏi đại dịch một cách hoàn toàn. Vì vậy, tôi sẽ chú ý đến các số liệu như số ca nhiễm mới, số ca tử vong mỗi ngày…. Tôi không nghĩ rằng chúng ta muốn thay đổi chính sách khi vẫn còn đang trong tâm chấn đại dịch. Mặc dù có thể ta đã nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, nhưng thực tế là ta vẫn chưa đi đến đó” - trích lời Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed chi nhánh St. Louis, ông James Bullard.

Các quan chức Fed cũng nhấn mạnh sự gia tăng lạm phát hiện tại chỉ là hiện tượng tạm thời và sẽ giảm bớt khi tình trạng gián đoạn nguồn cung ổn định trở lại và các tác động từ cuộc khủng hoảng đại dịch giảm bớt.

Tuy nhiên, các nhà phân tích Deutsche Bank không đồng tình với phát ngôn này. Họ cho rằng các gói kích thích lớn và sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ sẽ dẫn đến mức lạm phát tăng đột biến mà Fed chưa chuẩn bị sẵn công cụ để kiểm soát và giải quyết. “Tác động của lạm phát có thể tàn phá nền kinh tế, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương (người da màu, người lao động trình độ thấp…)”.

Quốc hội Mỹ cho đến nay đã thông qua các gói kích thích Covid-19 với tổng trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD trong khi Ngân hàng Trung ương đã tăng gần gấp đôi bảng cân đối kế toán thông qua việc mua tài sản hàng tháng để hỗ trợ đà tăng trưởng kinh tế. Các kích thích vẫn tiếp tục ngay cả khi nền kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng với tốc độ 10% trong quý II và thị trường lao động đã chứng kiến mức tăng trưởng trung bình 478.000 việc làm mỗi tháng trong năm 2021.

“Chưa bao giờ chúng ta thấy chính sách tài khóa và tiền tệ có sự phối hợp rộng rãi như vậy. Nó sẽ tiếp tục ngay cả khi sản lượng vượt quá tiềm năng kinh tế. Đó là lý do vì sao lần này khác với những lần lạm phát trước đây”.

Deutsche Bank dự báo nguy cơ lạm phát sắp tới có thể giống với những gì xảy ra những năm 1970, khi mà lạm phát tăng vọt bình quân gần 7% và thậm chí có lúc tăng ở mức hai con số tại nhiều thời điểm khi giá thực phẩm và năng lượng tăng chưa từng có. Chủ tịch Fed lúc đó là Paul Volcker đã cố gắng kiềm chế lạm phát bằng cách tăng lãi suất với tốc độ mạnh mẽ, nhưng điều này đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế. Deutsche Bank quan ngại kịch bản có thể lặp lại lần này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với quan điểm của Deutsche Bank. Hầu hết các nhà phân tích phố Wall hiện đồng thuận với quan điểm của Fed rằng lạm phát hiện tại là vấn đề tạm thời của nền kinh tế và Fed sẽ không sớm đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng hiện tại.


NTTD
Cùng chuyên mục