Mỹ "hành động nóng" với nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc
Tờ Nikkei Asian Review cho hay trong một thông điệp hôm 25/9 (giờ Mỹ), Bộ Thương mại Mỹ đã hướng dẫn các doanh nghiệp Mỹ đăng ký giấy phép xuất khẩu để bán một số mặt hàng bị kiểm soát cho SMIC. Đây là động thái mới nhất trong nỗ lực đàn áp các công ty công nghệ Trung Quốc của chính quyền Trump, nhất là trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Bắc Kinh.
Theo nội dung bức thư mà Nikkei Asian Review tiết lộ, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ đã xác định “việc xuất khẩu hàng cho SMIC hoặc các công ty con của nó có thể gây ra rủi ro chưa từng có về việc chuyển hướng sang phục vụ các mục đích quân sự của Trung Quốc”. Theo đó, các nhà cung cấp Mỹ “phải nộp đơn xin giấy phép được thông qua trước khi xuất khẩu, tái xuất hoặc chuyển giao” công nghệ, sản phẩm cho công ty Trung Quốc này.
SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc, là một trong những lá cờ đầu trong tham vọng xây dựng ngành công nghiệp chip bán dẫn trong nước cạnh tranh, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp chip nước ngoài như Mỹ.
Về phía SMIC, doanh nghiệp này khẳng định “chỉ sản xuất chip và cung cấp dịch vụ cho người dùng cuối vì mục đích dân sự và thương mại. Công ty không có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc và cũng không sản xuất cho bất kỳ người dùng cuối hoặc mục đích quân sự nào”.
Trước đó, theo các nhà quan sát, SMIC đã nhận thức được rủi ro to lớn bị Mỹ kiểm soát chặt chẽ các quy tắc xuất khẩu, do đó đã tăng cường đơn hàng với hàng loạt nhà cung cấp Mỹ quan trọng như Applied Materials, Lam Research… Cũng theo Nikkei, SMIC đang đẩy nhanh nỗ lực xây dựng dây chuyền sản xuất công nghệ không phụ thuộc vào Mỹ dù phải sử dụng công nghệ sản xuất chip 40 nm kém tiên tiến hơn. Công ty đặt mục tiêu xây dựng dây chuyền sản xuất chip 28 nm trong 3 năm tiếp theo. Hiện SMIC vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thiết bị sản xuất chip của Mỹ trong dây chuyền sản xuất hàng ngày. Do đó, nguy cơ bị mất quyền tiếp cận với các nhà cung cấp Mỹ có thể khiến năng lực công nghệ của SMIC thụt lùi 10 năm.
Trước đó, Washington đã thắt chặt các quy tắc kiểm soát xuất khẩu với Huawei, gã khổng lồ công nghệ lớn nhất Trung Quốc bằng cách yêu cầu các nhà cung cấp chip toàn cầu phải xin giấy phép xuất khẩu nếu muốn bán bất kỳ công nghệ nào của Mỹ cho Huawei. Ngoài Huawei và các chi nhánh của nó, cho đến nay, chính phủ Mỹ đã đưa khoảng 70 công ty, tổ chức và các thực thể Trung Quốc vào danh sách đen để hạn chế quyền truy cập công nghệ Mỹ.
Vào tháng 8, Bộ Thương mại Mỹ cũng ra thời hạn 60 ngày để lấy ý kiến công chúng về việc có nên thắt chặt hơn nữa các quy tắc kiểm soát xuất khẩu liên quan đến thiết bị sản xuất chip và các công nghệ nhạy cảm khác, chẳng hạn như laser hay không.
SMIC gần đây đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch STAR Thượng Hải, phiên bản Nasdaq Composite của Trung Quốc, và huy động được 6,55 tỷ USD vào cuối tháng 7. Công ty này được cho là đang đổ tiền để mời nhiều chuyên gia kỳ cựu, nhân sự chủ chốt trong các công ty chip hàng đầu như TSMC, Samsung về làm việc trong nỗ lực nâng cấp công nghệ. Hiện Huawei là khách hàng lớn nhất của SMIC.