Mỹ - Trung nhất trí dỡ bỏ thêm thuế quan, vì sao thị trường vẫn chưa hết quan ngại?
Phát ngôn trên sóng truyền hình nhà nước, ông Cao Phong tiết lộ phái đoàn đàm phán Mỹ Trung đã nhất trí đồng thời dỡ bỏ một số mức thuế trừng phạt hoặc trả đũa với hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia còn lại, nhằm tiến gần hơn tới một thỏa thuận thương mại sau hơn 2 tuần thảo luận căng thẳng.
“Một điều kiện quan trọng trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 là việc Mỹ và Trung Quốc cùng lúc dỡ bỏ các mức thuế quan - vị quan chức Bộ Thương mại nhấn mạnh.
Sau tuyên bố của phía Bắc Kinh, phát ngôn viên Nhà Trắng Stephanie Grisham cũng xác nhận với Fox News rằng hai bên đang đạt được những tiến bộ tích cực trong các cuộc thảo luận thương mại, và rằng chính quyền Trump hoàn toàn lạc quan vào khả năng một thỏa thuận sẽ đến sớm.
Chứng khoán Mỹ sau thông tin này đã lập đỉnh kỷ lục mới, Dow Jones tăng hơn 180 điểm và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm cũng nhảy vọt 0,15%. Trước đó, các nhà đầu tư đã tỏ ra quan ngại khi tờ Reuters đưa tin thỏa thuận thương mại Mỹ Trung nhiều khả năng bị trì hoãn sang tháng 12 do hai bên không thể nhất trí trong các điều khoản nội dung cũng như chưa tìm ra địa điểm ký kết thỏa thuận tạm thời.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau để ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra ở Chile vào ngày 16-17/11. Kế hoạch này sau đó bị hủy bỏ do Chile bất ngờ hủy đăng cai APEC, viện dẫn tình hình xã hội bất ổn trong nước. Ông Trump sau đó đề xuất ký kết thỏa thuận thương mại trên đất Mỹ, nhưng Bắc Kinh tỏ ra thận trọng với gợi ý này, lo ngại điều đó thể hiện sự thỏa hiệp quá mức của Chính quyền Tập Cận Bình.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm qua, với những khoản trừng phạt thuế quan lên số lượng hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD. Thương chiến sau đó lan rộng sang thị trường tài chính, làm suy yếu tâm lý nhà đầu tư và có nguy cơ gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu. Quỹ tiền tệ Quốc tế IMF từng cảnh báo căng thẳng Mỹ Trung kéo dài có thể thổi bay 700 tỷ USD trong tăng trưởng GDP toàn cầu, đưa thế giới tới gần viễn cảnh suy thoái trong năm 2020.
Mục đích của chính quyền Donald Trump khi châm ngòi thương chiến không gì khác là gây áp lực cho Bắc Kinh trong việc dỡ bỏ các khoản trợ cấp nhà nước, thay đổi thể chế pháp luật kinh doanh liên quan đến chuyển giao công nghệ bắt buộc và ăn cắp tài sản sở hữu trí tuệ, điều gây thiệt hại nặng nề cho doanh nghiệp Mỹ bấy lâu nay.
Tuy nhiên cho đến giờ, các nhà phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ về việc thỏa thuận Mỹ Trung có thể giải quyết triệt để các vấn đề này hay không, khi mà các cuộc thảo luận giai đoạn 1 hiện chỉ xoay quanh vấn đề dỡ bỏ thuế quan, nhập khẩu nông sản.