Mỹ và châu Âu bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga do căng thẳng Ukraine, ai thiệt hại nhiều nhất?

24/02/2022 11:45 GMT+7
Hôm qua, Mỹ và châu Âu chính thức áp dụng những biện pháp trừng phạt kinh tế Nga liên quan đến căng thẳng ở Ukraine. Tuy nhiên, những biện pháp này không chỉ khiến Matxcơva thiệt hại mà sẽ tác dụng ngược lại nền kinh tế của phương Tây cũng như phần còn lại của thế giới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết từ ngày 23-2, Mỹ sẽ trừng phạt Ngân hàng VEB và Ngân hàng Quân đội Nga - Promsvyazbank, cũng như giới tài phiệt. Mỹ cũng áp trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, đồng nghĩa chính phủ Nga không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đưa thêm nhiều chính trị gia, nghị sĩ và quan chức Nga vào danh sách đen. Đồng thời, khối này cấm các nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga hay xuất nhập khẩu với các khu vực ly khai ở Ukraine.

Mỹ và châu Âu bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga do căng thẳng Ukraine, ai thiệt hại nhiều nhất? - Ảnh 1.

Ảnh: Sada El Balad

Trong những biện pháp trừng phạt có phần hạn chế mà phương Tây triển khai, động thái mạnh mẽ nhất là việc Đức tuyên bố dừng dự án Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga đến phía đông châu Âu.

Anh tuyên bố trừng phạt 5 ngân hàng Nga, trong đó có ngân hàng Rossiya và Ngân hàng Quân đội Nga - Promsvyazbank).

Thông điệp của Mỹ và các đồng minh là các biện pháp trừng phạt sẽ tăng dần nếu Nga không nhượng bộ.

Tác động đến kinh tế Nga

Chuyên gia William Jackson của tổ chức tư vấn Capital Economics cho biết khi Iran bị trừng phạt tương tự, kinh tế nước này đã sụt giảm đến 7%. Theo ông Jackson, kinh tế Nga dù mạnh hơn Iran nhưng các biện pháp cấm vận cứng rắn có thể khiến GDP nước này mất 4-5%.

Mỹ và châu Âu bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga do căng thẳng Ukraine, ai thiệt hại nhiều nhất? - Ảnh 2.

Biểu đồ tăng trưởng GDP Nga

Trong khi đó, nhà đầu tư Mỹ - ông Gary Korolev - cho rằng việc trừng phạt sẽ chỉ ảnh hưởng đến Nga trong ngắn hạn. 

"Các biện pháp chắc chắn sẽ gây khó khăn hơn cho nền kinh tế Nga trong việc cung cấp tài chính về ngắn hạn. Nhưng về lâu dài, điều này giúp Nga sẽ tăng cường sự độc lập với hệ thống tài chính phương Tây, đồng thời giảm bớt dòng vốn chảy ra ngoài của Nga", ông Korolev nhận định.

Theo nhóm luật sư chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế tại công ty luật toàn cầu Ashurst, rất nhiều nguồn vốn của Nga đã được hồi hương để phòng ngừa các lệnh trừng phạt. Vì vậy, việc đóng băng tài sản của một số cá nhân và nhà tài phiệt cũng sẽ chỉ có tác động không đáng kể đến nền kinh tế Nga.

Dù vậy, các cường quốc phương Tây vẫn đặt hy vọng vào việc bỏ đói hệ thống tài chính Nga. Châu Âu đang cố ngăn Nga tiếp cận thị trường vốn để huy động tiền hoặc tái cấp vốn cho các khoản nợ của mình. Động thái trên được cho là sẽ gây áp lực lên giá trị đồng rúp Nga, qua đó làm giảm sức mua hàng hóa nhập khẩu của nước này.

Các ngân hàng phương Tây lâu nay vẫn hạn chế tiếp xúc với những tổ chức tài chính Nga. Tuy nhiên, một số ngân hàng phương Tây vẫn có hoạt động tại Nga. Trong đó có UniCredit của Italy, Raiffeisen của Áo hay Societe Generale của Pháp thông qua chi nhánh Rosbank.

Tác động đến kinh tế Mỹ

Các biện pháp trừng phạt không chỉ khiến Nga thiệt hại mà chính các nước phương Tây cũng phải trả giá. Kết quả có thể thấy nhanh là thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm mạnh trong tuần khi Tổng thống Biden chuẩn bị công bố trừng phạt.

Ngoài ra, việc này có thể khiến giá năng lượng thế giới tăng cao trong bối cảnh giá dầu hiện đang ở mức cao nhất trong 8 năm qua. Đối với người Mỹ, điều này đồng nghĩa với việc giá cả sẽ leo thang và các nhà kinh tế lo ngại lạm phát có thể bị đẩy lên 2 con số.

Mỹ và châu Âu bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga do căng thẳng Ukraine, ai thiệt hại nhiều nhất? - Ảnh 3.

Biểu đồ lạm phát Mỹ

vậy, dù ra vẻ mạnh tay, Washington vẫn kiềm chế sử dụng các biện pháp trừng phạt có khả năng gây tổn hại khác. Ví dụ như Mỹ vẫn không loại trừ Nga khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng quốc tế (SWIFT). Bởi vì, điều này sẽ khiến hầu hết các giao dịch tài chính với Nga không thực hiện được. Quan trọng nhất là trong đó có giao dịch thanh toán khí đốt mua của Nga.

Mỹ cũng không áp đặt những biện pháp kiểm soát xuất khẩu. Như vậy, công ty Nga vẫn có thể tiếp cận với các sản phẩm thiết bị công nghệ cao của Mỹ.

Tác động đến nền kinh tế châu Âu

Giới chuyên gia đánh giá các biện pháp hiện nay của châu Âu chưa thực sự gây "đau đớn" cho Nga. Bởi vì, châu Âu vẫn đang tính toán cẩn thận để bảo vệ cả lợi ích kinh tế.

Rõ ràng, nếu trừng phạt lĩnh vực năng lượng Nga sẽ mang đến rủi ro nhất định với EU vì EU nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga. Điều này tạo ra đòn bẩy lợi thế cho Moskva.

Châu Âu có thể tồn tại mà không cần nhập khẩu năng lượng từ Nga trong vài tháng tới, nhưng về lâu dài, nó tiềm ẩn nguy cơ gây gián đoạn kinh tế nghiêm trọng.

Hiện tại, những quốc gia xuất khẩu khí đốt lớn như Mỹ và Qatar khó có khả năng tăng mạnh các chuyến hàng đến châu Âu. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng Ukraine thực tế đã gây xáo trộn đối với giá cả hàng hóa.

Việc Đức trừng phạt dự án Nord Stream 2 thậm chí có thể khiến Đức bị ảnh hưởng còn nhiều hơn Nga.

Phần còn lại của thế giới

Nga có một vai trò quá lớn trong thị trường năng lượng toàn cầu. Họ là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba sau Mỹ và Saudi Arabia, cung cấp khoảng 10% lượng dầu được tiêu thụ trên toàn thế giới. Phần lớn số dầu đó bán sang châu Âu, khu vực cũng phụ thuộc vào khí đốt từ Nga.

Fitch Ratings, tổ chức xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới, nhận xét: "Nga đóng một vai trò quan trọng trong thị trường hàng hóa toàn cầu vì chiếm khoảng 10% thị trường dầu thế giới".

Hiện nay, giá dầu thô gần ở mức 99 USD/thùng - sát mốc 100 USD/thùng, cao chưa từng thấy kể từ năm 2014. Giá khí đốt tự nhiên cũng tăng nhanh đạt 69,68% trong tháng, hiện đang ở 4,7 USD/ 1 triệu đơn vị nhiệt Anh (MmBtu).

Nga cũng là nhà xuất khẩu lớn palladium, niken và nhôm. Những kim loại này cũng đang trên đà tăng giá kỷ lục. Giá galadium tăng 12,61% trong tháng, đạt 2478,64 USD/ tấn ounce. Niken tăng giá 11,14%, ở mức 25.203 USD/ tấn. Nhôm tăng 10,15% trong tháng, đạt mức giá 3336 USD/ tấn.

Mỹ và châu Âu bắt đầu trừng phạt kinh tế Nga do căng thẳng Ukraine, ai thiệt hại nhiều nhất? - Ảnh 4.

Biến động giá kim loại 24/02/2022. Nguồn: Trading economics

Bên cạnh đó, Nga còn là nhà xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, và cùng với Ukraine, họ chiếm 1/4 tổng lượng xuất khẩu ngũ cốc thiết yếu toàn cầu.

Xu hướng tăng giá những mặt hàng này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng, đánh vào sức mua của họ. Nhất là trong bối cảnh lạm phát đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Ông Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế, tỏ ra lo ngại trước tình hình này. Vì, cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chỉ mới bắt đầu hồi phục sau đại dịch COVID-19 "sẽ làm tăng thêm bất ổn thị trường toàn cầu".

Điều gì ở phía trước?

Ông Andrew Lohsen, chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định các biện pháp trừng phạt còn khá rụt rè.  Những bước đi mới này dường như không tương xứng với những gì Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đe dọa giáng lên Nga. Và chắc chắn, nó khó có thể khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin "chùn bước".

"Các biện pháp trừng phạt hiện nay không thể khiến Nga thay đổi hướng đi", ông Lohsen bình luận.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ và châu Âu cho biết họ đang cân nhắc thêm những biện pháp trừng phạt khác.

Và chắc chắn, các biện pháp trừng phạt sẽ rất từ từ nhằm để không gây ảnh hưởng tới lĩnh vực năng lượng. Điều này là vì các nước cần đảm bảo chiến lược bảo vệ nền kinh tế, nhóm chuyên gia công ty luật toàn cầu Ashurst nhận định.

Lan Hương
Cùng chuyên mục