Năm 2023: VIMC dự báo vận tải biển gặp khó khăn do lạm phát

08/01/2023 07:49 GMT+7
VIMC nhận định năm 2023, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá.

Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), trong năm 2022, sản lượng hàng hoá thông qua cảng do đơn vị quản lý ước đạt 124 triệu tấn (đạt 93% so kế hoạch), doanh thu hợp nhất ước đạt 15.041 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.129,5 tỷ đồng (vượt 124% so kế hoạch).

Báo cáo của VIMC cho thấy, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2022 chiếm tỷ trọng cao nhất, ước đạt 1.869 tỷ đồng. Thời điểm 5 - 7 năm trước vốn chủ sở hữu VIMC từ âm 7.600 tỷ đồng nay đã đảo chiều dương và hiện đạt hơn 13.800 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Tỉnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, với kết quả sản xuất của đơn vị có được, đời sống người lao động ngày càng được cải thiện với mức lương bình quân năm 2022 là 16,6 triệu đồng/người trong toàn hệ thống.

Năm 2023: VIMC dự báo vận tải biển gặp khó khăn do lạm phát - Ảnh 1.

Hàng hoá thông qua Cảng biển Việt Nam tăng trưởng năm 2022. Ảnh: VIMC

Theo ông Tĩnh, các doanh nghiệp vận tải biển đã luôn nỗ lực bám sát, tận dụng cơ hội thị trường, tối ưu hóa các hợp đồng tài chính, duy trì các hợp đồng với mức giá tốt, tìm kiếm được các nguồn hàng, phát triển các tuyến dịch vụ mới và thu về những kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường nội địa đang cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Với năm 2023, hoạt động kinh doanh vận tải biển bắt đầu phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức trong năm 2023 như chỉ số thuê tàu hàng của thị trường đi xuống; thị trường tàu container quốc tế, giá cước vận tải liên tục giảm mạnh.

Cùng với đó, thị trường vận chuyển container nội địa sản lượng hàng hóa luôn ở mức thấp trong khi nguồn cung tàu tuyến nội địa gia tăng; tuổi tàu VIMC cao (20 năm) khó cạnh tranh hãng tàu nước ngoài.

Năm 2023, VIMC nhận định, thị trường tàu hàng rời, tàu container sẽ suy giảm mạnh do lạm phát cao và gia tăng ở nhiều quốc gia, suy thoái toàn cầu ảnh hưởng tới năng lực mua sắm hàng hoá, lượng hàng tồn kho tích trữ nhiều.

Lĩnh vực cảng biển của VIMC sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi do nguồn hàng có nguy cơ suy giảm bởi các yếu tố đầu vào của thị trường và số lượng đơn hàng sụt giảm khiến các nhà máy phải hoạt động cầm chừng, đóng cửa; xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có dấu hiệu chững lại bắt đầu từ quý 4/2022.

Phía VIMC cũng thừa nhận lĩnh vực dịch vụ hàng hải của VIMC bị mất nhiều thị phần khi quy mô hoạt động nhìn chung còn hạn chế, chưa có bước đột phá, thiếu tính đồng bộ và tạo kết nối chuỗi; chính sách giá kém linh hoạt, khả năng chống đỡ với áp lực cạnh tranh ngày càng kém.

VIMC nhận định việc điều hành sản xuất kinh doanh của năm 2023 bao gồm sản lượng vận tải biển dự kiến 17,7 triệu tấn; sản lượng khối cảng biển 134,7 triệu tấn; doanh thu hợp nhất 13.354 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 2.330 tỷ đồng.

Đánh giá kết quả kinh doanh của VIMC, ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết năm 2022, VIMC duy trì đà tăng trưởng 20% cả doanh thu và lợi nhuận so với kế hoạch đề ra.

VIMC là điểm sáng về hoạt động tăng trưởng ổn định và lợi nhuận cao so với kế hoạch trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Ông Cảnh yêu cầu doanh nghiệp hàng hải chủ lực cần chủ động, sáng tạo đưa dự báo kịp thời để tháo gỡ ngay lập tức khó khăn để điều hành sản xuất không bị gián đoạn phù hợp với thị trường thực tiễn.

Theo ông Cảnh, cả 3 đề án gồm chiến lược phát triển, tái cơ cấu, kế hoạch sản xuất kinh doanh 2023-2025 đã được Đảng ủy Khối Doanh nghiệp cơ quan Trung ương cho ý kiến và cơ bản đồng thuận và sẽ sớm hoàn thiện phê duyệt. Do đó, VIMC bám sát chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đi vào hoạt động đảm bảo đạt được mục tiêu chiến lược đề ra thời gian tới.


Thế Anh
Cùng chuyên mục