dd/mm/yyyy

'Ngân hàng đất nông nghiệp' liệu có khơi thông nguồn lực 'ngủ đông'?

Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới về thành lập “Ngân hàng đất nông nghiệp” với định hướng, xây dựng quy định nhằm hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách để khai thác, sử dụng đất nông nghiệp hiệu nhất, tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều trăn trở.

Lãng phí nguồn đất nông nghiệp

Ông Kiều Minh Thanh, một chuyên gia tư vấn cho một tập đoàn chuyên đầu tư, sản xuất nông nghiệp chất lượng cao của Thái Lan, mới đây khảo sát dự án tại tỉnh An Giang cho hay mặc dù địa phương có rất nhiều thuận lợi để phát triển các dự án quy mô lớn, tiềm năng xuất khẩu cao nhưng trong quá trình tìm hiểu thực hiện, vấn đề "rào cản" về cơ chế đất đai, tư liệu sản xuất vẫn nổi bật.

Theo ông Thanh, rất khó để tập trung được một diện tích đất đai đủ lớn phù hợp với quy mô doanh nghiệp yêu cầu vì phải đàm phán với nhiều hộ sử dụng đất (do quỹ đất nông nghiệp của các hộ ít) với nhiều mức giá khác nhau. Trong khi sự hiểu biết của nhiều hộ nông dân lại hạn chế, cứ nghĩ nhà đầu tư nước ngoài nhiều tiền thì hét giá nào cũng được nên các nhiều cuộc họp, đàm phán không thành.

Thêm nữa, pháp luật đất đai chưa quy định cụ thể, rõ ràng việc chính quyền (UBND các cấp) được thuê đất của các hộ dân, sau đó cho tổ chức, doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư. “Vấn đề đặt ra là, các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương cần xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc "dồn điền đổi thửa", bởi thực tế ở nhiều địa phương chưa làm tốt điều này. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách, cũng chưa quy định về việc, Nhà nước ứng trước kinh phí từ ngân sách để trả tiền thuê đất một lần cho người dân, trong khi thu lại tiền thuê đất của doanh nghiệp từ một đến hai lần. Luật cần phải có quy định rất rõ ràng thì doanh nghiệp mới dám triển khai”, ông Thanh chia sẻ.

Tại tọa đàm “Hợp lực để chuyển đổi bền vững vùng ĐBSCL” mới đây, đại diện một nhà đầu tư từ Hà Lan cho biết, nông nghiệp vùng ĐBSCL đóng góp 32% GDP toàn ngành nông nghiệp, năng lực sản xuất lúa toàn vùng chiếm 50% sản lượng lúa của cả nước, đóng góp 95% lượng gạo xuất khẩu là những con số ấn tượng. Tuy nhiên, để tiến tới sản phẩm lúa gạo chất lượng cao với giá bán gấp nhiều lần hiện tại thì cần có nhà đầu tư. Nhưng với hiện trạng đất nông nghiệp manh mún, thậm chí nhiều nơi, nông dân bỏ hoang chờ lên giá để chuyển nhượng thì rất khó để nhà đầu tư tiếp cận, triển khai dự án.

'Ngân hàng đất nông nghiệp' liệu có khơi thông nguồn lực 'ngủ đông'? - Ảnh 1.

Nhiều nơi đất nông nghiệp hoang hóa chờ "cò đất" thổi giá

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, giám đốc Công ty cổ phần nông sản AG, thực trạng ở nhiều địa phương phía Nam cho thấy, nông dân không đủ sức để sản xuất gạo chất lượng cao, nhiều hộ bỏ ruộng đồng lên thanh phố, nhưng chuyển nhượng đất cũng không được nên bỏ tồn một lượng vốn tư liệu sản xuất là đất nông nghiệp hoang hóa “ngủ đông” rất lãng phí.

“Cần hình thành các cánh đồng lớn với quy mô tối thiểu 1.000ha, cấp mã số vùng trồng cụ thể để có thể tổ chức sản xuất đồng bộ và truy xuất được nguồn gốc. Cánh đồng lớn cũng giúp công tác cơ giới hóa được áp dụng đồng bộ và qua đó tăng năng suất lao động, góp phần giảm giá thành”, ông Thuận góp ý.

Ngân hàng đất nông nghiệp - khơi thông nguồn lực "ngủ đông"

Theo bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định mới về “Ngân hàng đất nông nghiệp”, thể chế hóa Nghị quyết 18 theo định hướng: “Xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp” nhằm hạn chế tối đa tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, xây dựng chính sách phù hợp để đất nông nghiệp được khai thác, sử dụng với hiệu quả cao nhất.

Góp ý vào vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng hiện nay, ở một số tỉnh, do tình trạng sử dụng đất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên chi phí “đầu vào” lớn song giá thành nông sản thấp, bấp bênh vì sự không ổn định của thị trường tiêu thụ. Vì vậy, xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân không chuyển nhượng, cho thuê, cứ giữ đất với tâm lý là “cuốn sổ bảo hiểm”. Do đó, việc quy định Ngân hàng đất nông nghiệp trong Dự thảo Luật là giải pháp để giải quyết vấn đề này.

PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến cho rằng Khoản 1 Điều 108 Dự thảo Luật quy đinh: “Ngân hàng đất nông nghiệp là doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp” nhưng điều khoản này lại chưa đề cập cụ thể hoạt động của Ngân hàng đất nông nghiệp có chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng không? Cơ quan nào có thẩm quyền thành lập Ngân hàng và hoạt động của mô hình Ngân hàng có chịu sự quản lý Nhà nước của Ngân hành Nhà nước hay sự quản lý của bộ, ngành nào?

Ông Nguyễn Văn Thuận, giám đốc Công ty cổ phần nông sản AG chia sẻ: “Từ thực tế sản xuất kinh doanh, tôi đề xuất việc cho nhà đầu tư thuê lại đất phải do cơ quan nhà nước có thẩm quyền đứng ra thỏa thuận các bên về đơn giá thuê, chuyển quyền sử dụng đất… Cần có quy định cụ thể về việc giám sát, kiểm tra năng lực và việc sử dụng đất của nhà đầu tư, tránh để đất hoang hóa, lãng phí, liệu lãnh đạo các ngân hàng này có đủ năng lực đó hay không. Đồng thời các ngân hàng có thể dễ dàng thỏa thuận với dân để thuê đất hay nên để chính quyền địa phương”.

Cũng theo ông Thuận, cần tính đến kinh phí hoạt động cho bộ máy của ngân hàng này thế nào để tránh rơi vào tình trạng "bao cấp", lãng phí. Ngoài ra, các vấn đề như bảo đảm an toàn cho quỹ đất của người gửi, cơ chế giải quyết mối quan hệ giữa ngân hàng đất với người gửi như thế nào cũng cần được quy định rõ, nếu không sẽ xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp nhiều khi còn phức tạp hơn so với trước khi có ngân hàng đất.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng khi lập được ngân hàng đất nông nghiệp, người dân có điều kiện trở thành công nhân ngay trên mảnh đất của mình với thu nhập cao hơn. Đối với các doanh nghiệp, họ sẽ không phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Điều đó đồng nghĩa, cơ chế này giúp hình thành phương thức tái hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nông nghiệp phải phát triển theo hướng tăng giá trị và giảm chi phí đầu vào thì thúc đẩy hình thành ngân hàng đất đai là một trong các giải pháp hiệu quả.

TS Nguyễn Đức Kiên cho biết, trước nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế hoạt động cụ thể của ngân hàng đất nông nghiệp, chắc chắn ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến xác đáng để hoàn thiện Luật sửa đổi sát với thực tiễn hơn.


Nam Phương