Ngân hàng Thế giới chỉ trích Trung Quốc gieo rắc nợ cho các nước nghèo

07/10/2020 07:53 GMT+7
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới WB mới đây lại lên tiếng kêu gọi các quốc gia giàu có, bao gồm Trung Quốc, hoãn hoặc xóa nợ cho các nước nghèo trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu.
Ngân hàng Thế giới chỉ trích Trung Quốc gieo rắc nợ cho các nước nghèo - Ảnh 1.

Chủ tịch WB chỉ trích Trung Quốc gieo rắc nợ cho các nước nghèo

Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến do Trường Quản lý Tài chính Frankfurt tổ chức hôm thứ Hai, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass đã chỉ trích Trung Quốc gieo rắc nợ nần tại một số nước nghèo cũng như không tham gia trọn vẹn Sáng kiến đình chỉ dịch vụ nợ mà nhóm G20 đề xuất. Sáng kiến DSSI được G20 khởi động hồi tháng 4, trong đó kiến nghị các nước giàu tạm hoãn thanh toán nợ đến cuối năm nay cho 73 quốc gia thu nhập thấp, chủ yếu là các quốc gia Châu Phi và một số nền kinh tế mới nổi Châu Á chịu tác động nặng nề của đại dịch. Ngoài ra, DSSI cũng cung cấp 5 tỷ USD tài trợ cho 43 quốc gia trong danh sách nước nghèo để xoa dịu hệ lụy kinh tế, xã hội và y tế từ đại dịch.

Ông Malpass chỉ ra rằng làn sóng nợ ở Châu Phi và một số nền kinh tế mới nổi trên thế giới là kết quả của “sự tăng trưởng nhanh chóng các bên cho vay, đặc biệt là một số chủ nợ có vốn hóa dồi dào như Trung Quốc”.

“Họ đã mở rộng danh mục đầu tư đáng kể mà không tham gia đầy đủ vào quy trình giãn nợ vốn được phát triển để xoa dịu làn sóng nợ trước đó” - Chủ tịch Ngân hàng Thế giới nói thêm. “Quá nhiều chủ nợ đã không tham gia vào Sáng kiến DSSI, khiến cho nỗ lực giảm nợ trở nên không đủ để đáp ứng nhu cầu tài chính và xoa dịu sự bất bình đẳng trong đại dịch”.

David Malpass từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ và là một trong những người ủng hộ trung thành của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Cho đến nay, Trung Quốc hiện là chủ nợ song phương lớn nhất với hầu hết các nền kinh tế mới nổi. Chỉ tính riêng các quốc gia nghèo tham gia sáng kiến DSSI của G20 giai đoạn tháng 5 đến tháng 12/2020; có tới 70% các khoản nợ, tương đương 7,17 tỷ USD có nguồn gốc từ Trung Quốc. Số nợ đó dự kiến sẽ tăng tới 10,51 tỷ USD, tương đương 74% tổng khoản nợ nếu sáng kiến DSSI được gia hạn đến năm 2021.

Các nước G7 hiện đang mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc vì phân loại hàng loạt tổ chức tài chính lớn do chính phủ hậu thuẫn là chủ nợ thương mại chứ không phải là chủ nợ song phương chính thức, điều này khiến cho sáng kiến DSSI mất đi hiệu quả cần thiết. 

Về phía Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass, ông kêu gọi Trung Quốc minh bạch các thông tin tái cơ cấu nợ ở một số quốc gia có khoản nợ lớn với Trung Quốc như Angola hay Lào để tránh tình trạng giãn nợ không công khai. Angola hiện đang cõng trên lưng khoản nợ lên tới 20 tỷ USD với chủ nợ Trung Quốc. Bắc Kinh cho biết họ sẵn sàng thông qua thỏa thuận đình chỉ nợ cho Angola theo sáng kiến DSSI của G20. Các chủ nợ nước này đang đàm phán với chính phủ Angola về kế hoạch tái cơ cấu nợ. 

Theo ông Seifudein Adem, giáo sư nghiên cứu toàn cầu tại Đại học Doshisha ở Kyoto, Nhật Bản; gánh nặng nợ của các nền kinh tế Châu Phi từ lâu đã có xu hướng ngày càng phình to và đại dịch Covid-19 bùng phát khiến nền kinh tế toàn cầu đến gần bờ vực suy thoái là một nguyên nhân khác làm các nước này khốn đốn hơn. Một số quốc gia gồm Sudan, Angola, Congo, Zambia… hồi tháng 5 đã khẩn khoản đề nghị các nước giàu như Trung Quốc xóa hàng tỷ USD nợ đã vay để phân bổ ngân sách cho lĩnh vực y tế, nâng cao công tác ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh.


NTTD
Cùng chuyên mục