Trung Quốc liệu sẽ xóa nợ cho các quốc gia nghèo trong khủng hoảng đại dịch?

12/05/2020 17:19 GMT+7
Các nhà phân tích cho hay Trung Quốc có thể đối mặt với áp lực buộc phải xóa những khoản nợ khổng lồ khi các quốc gia đi vay lao đao vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Trung Quốc liệu sẽ xóa nợ cho các quốc gia nghèo trong khủng hoảng đại dịch? - Ảnh 1.

Một dự án Vành đai và con đường dở dang ở Ba Lan

Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng đang đối mặt với hàng loạt tranh cãi, chỉ trích trên toàn cầu vì đưa nhiều quốc gia nghèo ở Trung Á và Châu Phi vào “bẫy nợ”. Dự án là tham vọng của Bắc Kinh nhằm xây dựng một mạng lưới đường sắt, đường bộ và đường biển trải dài từ Trung Quốc đến Trung Á, Châu Phi và Châu Âu để thúc đẩy thương mại. Các tổ chức tài chính Trung Quốc đã viện trợ hàng trăm tỷ USD cho những quốc gia tham gia dự án kể trên để đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Nhưng cũng chính vì thế, những quốc gia này trở thành “con nợ” lớn của Bắc Kinh, khó có khả năng trả nợ khi đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu.

Số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho biết tính đến nay, toàn cầu có hơn 4,1 triệu người nhiễm Covid-19 và hơn 285 nghìn người tử vong khi dịch bệnh lan rộng ra 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sự bùng phát đại dịch đã dẫn tới những gián đoạn trong các dự án vành đai và con đường (BRI), chẳng hạn như các dự án ở Indonesia, Malaysia, Campuchia, Sri Lanka và Pakistan trì trệ do biện pháp phong tỏa kiểm dịch của chính quyền.

Simon Leung, một chuyên gia tài chính ngân hàng tại công ty luật Baker McKenzie nhận định sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu cùng với sự gia tăng chi tiêu trong nước do đại dịch Covid-19 bùng phát đã dẫn tới sự mất giá đáng kể của đồng nội tệ, khiến các nước đi vay khó có khả năng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ bằng ngoại hối với các ngân hàng Trung Quốc.

Nhiều quốc gia tham gia sáng kiến BRI ở Châu Phi, Trung Á đã khẩn thiết kêu gọi Trung Quốc xóa nợ, giãn nợ khi các khoản nợ gần đến thời hạn trả. Pakistan và Sri Lanka là hai quốc gia khó khăn nhất và có thể không đáp ứng được nghĩa vụ trả nợ trong cả năm nay do hậu quả nặng nề mà đại dịch mang lại.

Theo các chuyên gia, dưới áp lực chỉ trích của quốc tế, Bắc Kinh có thể sẽ phải chấp nhận giãn nợ, gia hạn thời gian thanh toán hoặc tạm dừng nghĩa vụ trả nợ cho các quốc gia trong trung hạn.

Một số quốc gia thậm chí còn ký kết với Trung Quốc giao dịch trao đổi hàng hóa, tức là một số khoản nợ Trung Quốc được quy đổi ra số thùng dầu - thông lệ mà Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo là thiếu minh bạch vì không cung cấp chi tiết số tiền thanh toán thực sự. Kể từ khi đại dịch Covid-19 tấn công thị trường dầu khiến giá dầu giảm sâu, các quốc gia này phải sản xuất thêm rất nhiều dầu để trả nợ Trung Quốc. Nhưng việc hoạt động công nghiệp đình trệ do dịch đang khiến các nước không thể bắt kịp sản lượng cần thiết. Kết quả là các công ty Trung Quốc có thể được trao toàn quyền kiểm soát liên doanh hoặc hoàn trả nợ bằng tài sản.

Đã có một minh chứng về việc Trung Quốc tiếp quản tài sản của các quốc gia do họ không thể hoàn tất nghĩa vụ nợ. Năm 2017, Sri Lanka đã phải bàn giao một cảng chiến lược cho Bắc Kinh vì không thể trả nợ cho các công ty Trung Quốc. Các báo cáo cho biết Bắc Kinh thường yêu cầu các quốc gia đưa ra tài sản công làm tài sản thế chấp khi vay nợ. Một nghiên cứu hồi năm ngoái chỉ ra trong khoảng thời gian 2000-2017, khoản nợ mà các quốc gia khác vay Trung Quốc đã tăng gấp 10 lần.

Áp lực xóa nợ

Các công ty nghiên cứu cho hay Trung Quốc có thể sẽ chịu áp lực lớn phải gia hạn nợ hoặc thậm chí xóa nợ do các điều khoản bất khả kháng (mà ở đây là sự bùng phát đại dịch).

Sự kiện bất khả kháng được quy định là các tình huống không lường trước được ngăn không cho một bên hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Theo các chuyên gia, việc xóa nợ trên diện rộng có thể sẽ tạo ra phản ứng tiêu cực khiến hoạt động cho vay của Trung Quốc bị ảnh hưởng trong phần còn lại của năm 2020, và có thể đến hết năm 2021. Phần lớn các khoản vay của Trung Quốc được thực hiện qua 2 ngân hàng chính sách là Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Do đó, việc đàm phán lại nợ có thể bao gồm cả đối thoại chính trị.

Tại Trung Quốc đại lục, các ngân hàng Trung Quốc vốn đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu ngày càng tăng do doanh nghiệp phá sản, người tiêu dùng mất khả năng trả nợ hoặc chậm trả nợ vì ảnh hưởng của đại dịch. Hồi đầu năm, ngân hàng Trung Ương Trung Quốc đã gợi ý cho các ngân hàng chấp nhận mức nợ xấu cao hơn để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục