Ngành dệt may làm gì để “gỡ khó” trước thềm EVFTA?

05/07/2020 17:26 GMT+7
Theo nhận định của giới chuyên môn, chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) dệt may. Đây là con số quá lớn khiến DN dệt may Việt Nam giảm sức cạnh tranh tại các thị trường quốc tế.

Theo ông Phạm Bảo Dương, Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, hiện tại, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng tại Việt Nam. Cụ thể, ngành dệt may đang giải quyết gần 5% tổng số lao động (2,6 triệu lao động) và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam.

Theo đó, dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và may mặc đều bị suy giảm.

Tính đến hết tháng 5/2020, xuất khẩu may mặc Việt Nam giảm 13,6% so với cùng kỳ 2019. Nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may và da giày giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Ngành dệt may làm gì để “gỡ khó” trước thềm EVFTA? - Ảnh 1.

Sản xuất vải đang là "nút thắt cố chai" của ngành dệt may Việt Nam

Theo số liệu thống kê năm tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU (28) giảm 19%. Đáng chú ý, hai thị trường này đã chiếm gần 60% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.

Cũng theo nhận định từ ông Dương, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu, năm 2020 và 2021 được dự báo vẫn sẽ hết sức khó khăn cho ngành dệt may.

Tuy nhiên, năm 2020 cũng ghi nhận Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được phê chuẩn thông qua. Đây được xem như "cao tốc" nối liền Việt Nam với châu Âu.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, Hiệp định EVFTA không phải "mâm cỗ" đã bày sẵn. DN dệt may Việt Nam vẫn cần khắc phục những nút thắt, điểm yếu hiện đang làm suy yếu sức cạnh tranh của ngành.

Cụ thể, "nút thắt" lớn nhất trong thời điểm hiện tại của ngành dệt may là việc chi phí cho nhập khẩu nguyên phụ liệu đang chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, 70% vải nhập khẩu phục vụ cho mục đích may xuất khẩu. Như vậy, có thể thấy, sản xuất vải đang là "nút thắt cổ chai" của ngành dệt may Việt Nam.

Bên cạnh đó, theo nhận định của các chuyên gia, những rào cản về chính sách như quá ít doanh nghiệp dệt may thụ hưởng các giải pháp hỗ trợ. Cụ thể, chỉ 133/3.143 doanh nghiệp, chiếm 3,6% tổng doanh nghiệp được khảo sát đã tiếp nhận được các chính sách hỗ trợ. Hoặc việc khó tiếp cận được các giải pháp hỗ trợ tín dụng cũng góp phần làm DN dệt may khó phát triển.

Đồng thời, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này cho rằng việc giãn, giảm hoặc miễn thuế không có nhiều tác dụng tích cực đối với doanh nghiệp của ngành.

Ngoài ra quy định hoãn đóng bảo hiểm xã hội hiện chưa hợp lí, và người lao động không được hỗ trợ hiệu quả, trong bối cảnh Chính phủ có chính sách hỗ trợ người lao động bị buộc thôi việc do Covid-19 nhưng rất khó tiếp cận do thủ tục quá rườm rà.

Theo đánh giá của ông Phạm Sỹ Thành, khi hiệp định EVFTA đưa vào thực thi thuế bình quân với hàng may mặc Việt Nam từ 12% về 0%. Để tận dụng lợi ích trên, DN dệt may cũng như các cơ quan quản lý cần hành động ngay từ lúc này.

"Với hiệu ứng của việc hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành. Để làm được việc đó, rất cần Nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp", TS. Thành nhận định.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục