Ngành Đường sắt làm gì để không mất vốn hàng nghìn tỷ đồng?
Đường sắt nguy cơ mất vốn hàng nghìn tỷ
Trong quá khứ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được thành lập năm 2003 trên cơ sở sắp xếp lại Liên hiệp Đường sắt Việt Nam. Cho đến năm 2010, VNR chuyển mô hình với hơn 60 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc.
Sau 3 năm đến 2013, đề án tái cơ cấu VNR được thực hiện, trọng tâm là cổ phần hóa một số Công ty thành viên, cụ thể là Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, 2 Công ty Vận tải đường sắt cạnh tranh lẫn nhau và hoạt động cũng không hiệu quả, không tạo ra được sức bật mới. Từ đó, năm 2017, Thủ tướng chấp thuận để VNR xây dựng mới một đề án tái cơ cấu khác cho giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của VNR, do tác động của dịch Covid-19 năm 2020, sản lượng đạt 6.828,6 tỷ đồng (bằng 79% so với cùng kỳ). Doanh thu 6.565,1 tỷ đồng (bằng 78,3% so với năm 2019). Thu nhập bình quân người lao động 8,27 triệu đồng/tháng (bằng 86,2% so với cùng kỳ).
Dịch Covid-19 đã phá vỡ toàn bộ kế hoạch khôi phục vận tải hành khách của các đơn vị vận tải đường sắt trong các đợt vận tải cao điểm Hè, lễ Tết. Số lượt hành khách đi tàu có tháng chỉ đạt 30-35% so với cùng kỳ, đây là mức thấp nhất trong lịch sử ngành đường sắt.
Với tình tình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc mà kéo dài sang năm 2021, VNR sẽ triển khai dự án 7.000 tỷ đồng sẽ tập trung đảm bảo tiến độ thi công sẽ làm giảm năng lực chạy tàu thông qua (khoảng từ 25-30%); sự cạnh tranh của các hãng hàng không về giá vé sẽ tác động mạnh mẽ đến sản lượng vận tải hành khách, hàng hóa sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là vận tải hành khách.
Đáng buồn hơn hết, do dịch Covid-19, vốn chủ sở hữu 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty VNR tại 2 Công ty CP vận tải Hà Nội và Sài Gòn sẽ mất hoàn toàn và nỗ lực sản xuất kinh doanh trong những năm qua ở 2 đơn vị này sẽ bị xóa sạch trong 3 năm tới đây.
Để vực dậy ngành Đường sắt, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR ông Vũ Anh Minh cho biết, đề án tái cơ cấu VNR đã được trình các bộ, ngành cách đây 41 tháng nhưng vẫn phải chờ Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trong nhiệm kỳ tới.
Ngành đường sắt cũng đã xin Chính phủ cho thực hiện một số nội dung cấp bách tái cơ cấu ngay trong năm 2021 với trọng tâm là sắp xếp lại đơn vị vận tải như hợp nhất 2 Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn. Qua đó, thu gọn đơn vị phụ thuộc để giảm chi phí, giá thành, khai thác hiệu quả nhất nguồn lực và tài sản hiện có.
Tái cơ cấu giảm chỉ phí
Theo ông Minh, tái cơ cấu không chỉ là sắp xếp mà gồm tái cơ cấu về tài chính, thị trường, sản phẩm, đầu tư, nhân sự, mô hình cơ cấu tổ chức trong đó có giai đoạn tái cơ cấu là đúng nhưng có giai đoạn lại không phù hợp.
Tại Quyết định 929 ngày 17/7/2012 và Quyết định 707 ngày 25/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã có sự khác biệt bởi tái cơ cấu giai đoạn 2011 - 2015, tập trung sắp xếp thu gọn lại mô hình sản xuất bởi sau một thời gian nở rộ Tập đoàn, Tổng công ty thấy rằng không hiệu quả thì phải tái cơ cấu tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính, cổ phần hóa hay thoái vốn vào những lĩnh vực Nhà nước không nắm giữ với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tùy theo từng thời kỳ.
Trong giai đoạn 2017 - 2020, ngành Đường sắt là cơ cấu lại bộ máy tập trung nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và sắp xếp lại doanh nghiệp và hạn chế các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề trong một Tổng công ty hay Tập đoàn để giảm năng lực cạnh tranh nội bộ để cạnh tranh với bên ngoài.
Người đứng đầu VNR cho hay, những năm 2010 trở về trước không cần chú trọng vận tải hàng hóa vì vận tải khách không có vé mà bán nhưng sau này thị phần khách sụt giảm nên buộc phải chuyển hướng sang vận tải hàng hóa. "Nếu không làm thì không biết trên thực tế ra sao nhưng khi làm có những cái đã và chưa đạt được nên cần điều chỉnh thực hiện hợp nhất 2 doanh nghiệp này để chuyên môn hóa nhiệm vụ được giao, giảm chi phí", ông Minh cho hay.
Nhìn nhận về tình hình kinh doanh sản xuất của VNR, ông Minh thẳng thắn cho biết, ngành Đường sắt không còn ở giai đoạn vàng son và đã tới lúc phải giảm định biên, không thể để gần 3 vạn con người đi tới chỗ "chết chìm.
Giai đoạn 2022, ngành Đường sắt sẽ tái cơ cấu hết sức mạnh mẽ, có những việc sẽ động chạm tới quyền lợi cá nhân, tổ chức nhưng buộc phải làm bởi ngay bản thân lãnh đạo hay cán bộ lao động cũng trăn trở.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã trình Thủ tướng Đề án tái cơ cấu VNR trong giai đoạn 2021 - 2025. Đề án là hợp nhất Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội với Sài Gòn thành một đơn vị; giữ nguyên mô hình quản lý sức kéo, các ban quản lý dự án và các chi nhánh khai thác đường sắt, 25 doanh nghiệp cổ phần công ích như hiện nay; thoái hết vốn của VNR tại 13 doanh nghiệp thành viên...
Năm 2021 dịch Covid-19 chấm dứt hoàn toàn, gói 7.000 tỷ thi công cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh hoàn thành thì sang năm 2022 sẽ có kỳ vọng dư địa về năng lực hạ tầng tốt hơn, vận tải hàng hóa và hành khách phục hồi dần dù vận tải hàng hóa đã có tăng trưởng tốt trong vài năm qua.