Ngay cả Mỹ, EU cũng phụ thuộc vào nguồn cung thiết bị bảo hộ y tế Trung Quốc
Số liệu thống kê mới nhất được công bố bởi Liên Hợp Quốc cho thấy tính trong tháng 5, Trung Quốc đã cung cấp tới 83% trong số 4 loại thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) chính mà nhân viên y tế sử dụng để bảo vệ bản thân, ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19 gồm: khẩu trang, áo khoác, quần áo bảo hộ và kính. Con số này tăng mạnh từ mức 59% hồi tháng 1 do nhu cầu mạnh mẽ hơn từ các quốc gia nơi đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.
Kim ngạch thương mại toàn cầu về xuất nhập khẩu khẩu trang y tế đã tăng từ mức 900 triệu USD trong tháng 1/2020 lên 9,2 tỷ USD vào tháng 5, tức bành trướng gấp hơn 10 lần. Trong đó, Trung Quốc là nguồn cung cấp chính. Nước này đáp ứng tới 96% nhu cầu nhập khẩu khẩu trang của Nhật Bản, 92% nhu cầu của Mỹ và 93% nhu cầu của EU.
Trong khi đó, Mỹ, EU và Nhật Bản cũng nhập khẩu tới 80-90% áo khoác bảo hộ từ Trung Quốc trong cùng kỳ, tăng từ 40-60% so với hồi đầu năm.
Trên thị trường kính bảo hộ cũng chứng kiến sự gia tăng tương tự khi Trung Quốc là nhà cung cấp chính cho 73% lượng kính bảo hộ nhập khẩu của Nhật Bản tính đến tháng 5.
Trong khi nhu cầu thiết bị bảo hộ cá nhân PPE tại các quốc gia tăng mạnh, thực trạng một số quốc gia hạn chế xuất khẩu PPE còn Trung Quốc lại thúc đẩy xuất khẩu PPE đã gây ra một thực trạng: các nước ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung PPE từ Trung Quốc. Ví dụ, Mỹ đã hạn chế xuất khẩu PPE từ tháng 4 năm nay, đồng thời dỡ bỏ thuế quan với PPE nhập khẩu từ Trung Quốc. Điều này thúc đẩy hàng hóa đồ bảo hộ y tế Trung Quốc nhanh chóng tràn vào thị trường Mỹ.
Mặc dù các quốc gia trên thế giới đang tăng cường đa dạng hóa nguồn cung đồ bảo hộ y tế trong nước để tránh sự phụ thuộc vào Trung Quốc, nhưng việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chắc chắn là một hành trình dài hạn.
Đơn cử như trường hợp của Mỹ. Ứng viên tranh cử Tổng thống Đảng Dân chủ, ông Joe Biden mới đây đã hứa hẹn sẽ hạn chế sự phụ thuộc nguồn cung thiết bị y tế và đồ bảo hộ vào thị trường Trung Quốc cũng như bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Mỹ. Trong nhiều tháng qua, Mỹ cũng đẩy mạnh sản xuất khẩu trang trong nước, chẳng hạn bằng cách tăng sản lượng khẩu trang N95 theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng năm 1950. Nhưng việc nhanh chóng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc là rất khó khăn. Nhất là khi giá nhập khẩu từ Trung Quốc rẻ hơn tương đối.
Paul Molinaro, chuyên gia giám sát nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân PPE tại Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết các nước đã thực hiện nhiều bước để tăng sản lượng, đa dạng hóa nguồn cung PPE. Nhưng ông Paul lưu ý thêm rằng tình hình dịch bệnh tại các quốc gia vẫn đang có xu hướng gia tăng. “Các quốc gia cần tăng cường sản xuất và dự trữ (PPE) để giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung từ một quốc gia duy nhất cũng như chuẩn bị cho làn sóng lây nhiễm dịch bệnh tiếp theo”. Ông kỳ vọng sự hợp tác giữa chính phủ các nước với các nhà sản xuất nội địa có thể cung cấp lượng PPE đủ dùng trong một tháng ngay cả khi nguồn cung quốc tế bị đình trệ.
Tại Nhật Bản, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang đẩy mạnh hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Hôm Thứ ba tuần trước, các nhà lập pháp đã thông qua quyết định trợ cấp xây dựng dây chuyền sản xuất khẩu trang phòng độc N95 trong nước của hai nhà máy là Koken và San-M Package. Dự kiến, công suất sản xuất của Koken sẽ tăng lên 600.000 chiếc/ tháng vào tháng 1/2021.