Nguy cơ vỡ nợ kỷ lục tiềm ẩn tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc

24/08/2020 09:11 GMT+7
Sự phục hồi kinh tế mong manh của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 đang đứng trước một mối lo mới khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4,1 tỷ USD của quốc gia này có nguy cơ chứng kiến các vụ vỡ nợ chưa từng có.
Nguy cơ vỡ nợ kỷ lục tiềm ẩn tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc - Ảnh 1.

Nguy cơ vỡ nợ kỷ lục tiềm ẩn tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc

Nhiều nhà quan sát nhận định các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ lên đến mức kỷ lục trong năm nay, trong bối cảnh sự phục hồi kinh tế vẫn còn quá yếu để vực dậy những doanh nghiệp chịu tổn thương nặng nề nhất trong vụ dịch. Bằng chứng là các khoản nợ trễ hạn đã bắt đầu gia tăng sau quý II, và áp lực ngày càng tăng lên với doanh nghiệp đi vay khi 3,65 nghìn tỷ NDT (529 tỷ USD) nợ trái phiếu sẽ đến hạn đáo hạn vào cuối năm nay.

Các chuyên gia nợ tại SC Lowy và Adamas Asset Management cho rằng những hỗ trợ của chính phủ Bắc Kinh với thị trường tín dụng trong nước khó có thể duy trì và kéo dài sự ổn định hiện tại. Các nhà phân tích cho rằng ngoài các công ty quốc doanh, lĩnh vực tư nhân gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận hỗ trợ. Thêm vào đó, một số phương tiện tài trợ của chính quyền địa phương không quá hấp dẫn do chi phí vay tăng cao và việc tái cấp vốn trở nên khó khăn.

Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của Adamas Asset Management (Hồng Kông), nhận định: “Chính phủ không có đủ nguồn lực để ngăn chặn tất cả (các vụ vỡ nợ)”, và rằng ông dự báo tình trạng vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc đại lục trong năm nay sẽ tăng lên mức kỷ lục mới.

Từ đầu năm đến nay, các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp không nhiều do đại dịch Covid-19 đã làm ngừng trệ đa số hoạt động sản xuất kinh doanh, khiến các khoản nợ trong nước giảm 17% xuống còn 49 tỷ NDT trong nửa đầu năm. Một phần nguyên nhân là do chính phủ khuyến khích các bên cho vay tái cấp vốn hoặc hoãn thanh toán để hỗ trợ doanh nghiệp.

Nhưng những nỗ lực tránh vỡ nợ của phía Bắc Kinh đang giảm dần khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Hơn nữa, trong dài hạn, lập trường chính sách phù hợp với chính phủ là cải thiện định giá rủi ro của hệ thống tài chính chứ không phải bảo hộ doanh nghiệp khỏi vỡ nợ trái phiếu.

Owen Gallimore, trưởng bộ phận chiến lược tín dụng của Tập đoàn Ngân hàng Australia & New Zealand tại Singapore nhận định: “Chúng tôi đã thấy một bức màn có phần ảo tưởng về sự cải thiện tình trạng vỡ nợ trong năm nay. Nhưng khi tìm hiểu sâu hơn, bức tranh không mấy khả quan”.

Gallimore dự đoán thị trường trái phiếu trong nước của Trung Quốc sẽ sớm bắt kịp xu hướng vỡ nợ tại các thị trường quốc tế, nơi mà báo cáo của Bloomberg cho thấy tổng các khoản vỡ nợ bằng đồng USD đã vượt quá 55% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Cũng theo ông này, căng thẳng nguồn vốn có thể tập trung vào lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, vốn chiếm đa số trong các đợt phát hành trái phiếu lợi suất cao tại Trung Quốc đại lục. 

Dữ liệu tổng hợp của Bloomberg cho thấy các nhà phát triển bất động sản Trung Quốc phải tái cấp vốn 199,3 tỷ NDT nợ trong nước và 12,3 tỷ USD nợ trái phiếu nước ngoài trước cuối năm nay. 

Trước nguy cơ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp kỷ lục, hôm 17/8, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm bổ sung 700 tỷ NDT tài trợ thông qua cơ sở cho vay trung hạn MLF kỳ hạn 1 năm. Nhưng theo ông  Soo Cheon Lee, Giám đốc đầu tư tại SC Lowy, một tập đoàn quản lý tài sản và ngân hàng toàn cầu tại Hồng Kông, hiệu quả đạt được có thể sẽ không lớn vì những công ty nhỏ và doanh nghiệp hoạt động trong các ngành hàng không, khách sạn vẫn sẽ chịu áp lực lớn.

Chỉ trong tuần qua, hàng loạt công ty bao gồm nhà quản lý sân bay quốc tế Haikou Meilan, nhà điều hành tàu du lịch Genting Hong Kong và công ty cho thuê dịch vụ vận tải Bohai Leasing đã cảnh báo nguy cơ gặp khó khăn trong việc trả nợ.

Cho đến nay, ít nhất 10 công ty Trung Quốc đã được các nhà đầu tư chấp thuận trì hoãn thanh toán nợ trái phiếu do sự bùng phát đại dịch Covid-19, nhưng vẫn còn ít nhất 83 công ty sở hữu khoảng 46,3 tỷ USD trái phiếu đang lưu hành tuyên bố không chắc chắn về khả năng đáp ứng các nghĩa vụ trả nợ. 


Thùy Dung
Cùng chuyên mục