Nghi vấn kiểm duyệt nội dung theo chỉ đạo của Bắc Kinh, TikTok có nguy cơ bị Mỹ điều tra

10/10/2019 10:50 GMT+7
Thượng nghị sĩ Marco Rubio Thượng viện Mỹ mới đây đăng Twitter cáo buộc ứng dụng Twitter kiểm duyệt nội dung theo chỉ thị của Bắc Kinh.
Nghi vấn kiểm duyệt nội dung theo chỉ đạo của Bắc Kinh, TikTok có nguy cơ bị Mỹ điều tra - Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio vận động điều tra TikTok

“Hôm nay, tôi sẽ yêu cầu Ủy ban Lập pháp CFIUS xem xét điều tra thương vụ mua lại Musical.ly của TikTok. Nhiều bằng chứng ngày càng rõ ràng từ các nước Phương Tây bao gồm cả Mỹ đã chỉ ra rằng TikTok có vẻ như đang kiểm duyệt nội dung theo chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc”.

Được biết, ông Marco Rubio đã gửi thông điệp đến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, trong đó yêu cầu Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ xem xét mối đe dọa của TikTok đến an ninh quốc gia trong thương vụ nói trên. “Những ứng dụng thuộc sở hữu của các Doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày càng được kiểm soát nội dung theo chỉ đạo của Bắc Kinh. Chúng thậm chí lặng lẽ vùi dập những chủ đề mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là nhạy cảm, như vụ Quảng trường Thiên An Môn, Hồng Kông và Đài Loan” - ông Rubio nhận định trong bức thư gửi ông Mnuchin.

Phản bác lại ông Rubio, phát ngôn viên của TikTok khẳng định: “TikTok phiên bản Mỹ đã hoàn toàn được bản địa hóa, tuân thủ mọi luật pháp Mỹ và quy định về dữ liệu người dùng của Mỹ. Nội dung và chính sách kiểm duyệt của TikTok hiện được chỉ đạo bởi đội ngũ kiểm duyệt viên tại Mỹ chứ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào. Chính phủ Trung Quốc không hề yêu cầu kiểm duyệt nội dung TikTok Mỹ và cũng sẽ không có quyền yêu cầu bất kỳ điều gì tương tự như vậy. Đơn giản là bởi TikTok Mỹ không hoạt động tại Trung Quốc”.

Nghi vấn kiểm duyệt nội dung theo chỉ đạo của Bắc Kinh, TikTok có nguy cơ bị Mỹ điều tra - Ảnh 2.

TikTok khẳng định phía Bắc Kinh không hề yêu cầu điều tra ứng dụng này

TikTok trước đó cũng tuyên bố không cho phép các quảng cáo có nội dung chính trị hiển thị trên ứng dụng, do không phù hợp với nội dung và trải nghiệm người dùng. Hồi tháng 6/2019, ứng dụng Trung Quốc này còn phải nộp phạt 5,7 triệu USD cho Ủy ban Thương mại Hạ viện Mỹ FTC vì cáo buộc thu thập thông tin trẻ em trái phép. Anh sau đó cũng tiến hành điều tra TikTok về các hành vi vi phạm quyền an toàn trẻ em.

Kể từ khi ra mắt đến nay, TikTok đã trở thành một trong những ứng dụng truyền thông xã hội phổ biến nhất thế giới. Ứng dụng thuộc sở hữu của ByteDance, một công ty có trụ sở tại Trung Quốc. Không giống như Instagram hay Facebook, nguồn cung cấp video cho người dùng không phụ thuộc vào các tài khoản họ theo dõi, mà phụ thuộc vào thuật toán để tìm hiểu những video được ưa thích, tạo trend.

TikTok thực chất chỉ phát triển tại Mỹ sau thương vụ mua lại Musical.ly (một ứng dụng hát và thu âm thu hút lượng lớn người Mỹ sử dụng) năm 2017. Tại thời điểm đó, TechCrunch cho biết thương vị có trị giá lên tới 1 tỷ USD. TikTok sau đó đã phát triển thêm nhiều tính năng đa dạng từ nền tảng Musical.ly. Thương vụ cũng cho phép TikTok thu về lượng khổng lồ người dùng Mỹ.

TikTok không phải ứng dụng Trung Quốc duy nhất được người Mỹ ưa chuộng. Theo ước tính của CNBC, các ứng dụng Trung Quốc hoặc ứng dụng có các nhà đầu tư Trung Quốc đứng sau đã thu về 674,8 triệu USD từ thị trường Mỹ trong quý I/2019. “PUBG Mobile” và “Clash of Clans” - hai tựa game được phát hành bởi Tencent hiện thu hút đông đảo game thủ Mỹ tham gia.


Cuộc tranh cãi liên quan đến TikTok nổ ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa Trung Quốc và các tập đoàn của Mỹ đang được Nhà Trắng đặc biệt quan tâm. Mới đây, Hiệp Hội bóng rổ Quốc gia Mỹ NBA bất ngờ bị cuốn vào vòng tranh cãi sau khi Chủ tịch chuyên môn Daryl Morey của đội Rockets đăng tải một thông điệp ủng hộ các cuộc biểu tình ở Hồng Kông lên Twitter. Hành động này sau đó khiến cho 11 trong số 13 doanh nghiệp Trung Quốc là đối tác chính thức của NBA đã tuyên bố đình chỉ hợp tác. Liên đoàn Bóng rổ Trung Quốc thậm chí còn cắt đứt mọi hoạt động với đội Rockets của ông Morey.

Trang web chính thức của NBA sau đó đã phải phát đi thông cáo: “NBA hoàn toàn tôn trọng lịch sử và nền văn hóa phong phú của Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn hy vọng rằng thể thao nói chung và bóng rổ nói riêng sẽ trở thành một cầu nối kết nối các nền văn hóa, đưa mọi người xích lại gần nhau”. Nhưng điều này chưa thể xoa dịu làn sóng giận dữ tại Trung Quốc.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục