Bắc Kinh tố Mỹ có "ý định ác độc" khi đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen

09/10/2019 11:30 GMT+7
Bắc Kinh hôm 8/10 (giờ Trung Quốc) đã yêu cầu phía Mỹ hủy bỏ việc đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, sau khi Mỹ cáo buộc nước này vi phạm nhân quyền cơ bản tại Tân Cương.
Bắc Kinh tố Mỹ có "ý định ác độc" khi đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen - Ảnh 1.

Trước thềm đàm phán Mỹ Trung, quan hệ hai bên trở nên căng thẳng vì danh sách đen

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 8/10 trả lời giới truyền thông, trong đó cáo buộc “Mỹ có ý định ác độc” khi đưa 28 thực thể Chính phủ và Doanh nghiệp nước này vào danh sách đen. Ông này cảnh báo Washington nên ngay lập tức “sửa chữa sai lầm” bằng cách đưa 28 thực thể nói trên ra khỏi danh sách đen và “ngừng can thiệp vào các vấn đề của Trung Quốc”.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết thực hiện các biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt để bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích an ninh và phát triển” - ông Cảnh Sảng nhấn mạnh.

Hôm 8/10, Bộ Thương mại Mỹ bất ngờ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm 20 đơn vị trực thuộc Chính phủ như Trường Cao đẳng Cảnh sát Tân Cương và Phòng Cảnh sát Tân Cương cùng 8 doanh nghiệp trong đó có hai nhà sản xuất và phân phối camera an ninh lớn nhất Trung Quốc là Hikvision và Dahua Technology. Danh sách cũng bao gồm 2 công ty tiên phong trong lĩnh vực nhận dạng khuôn mặt tại Trung Quốc như SenseTime Group và Megvii Technology, 3 công ty chuyên nhận dạng giọng nói và thu thập dữ liệu nhân dạng là iFlytek, Meiya Pico và Yixin Technology. 

Theo phía Washington, đây là các thực thể đã tham gia vào những chiến dịch đàn áp, giám sát công nghệ cao nhắm vào người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi giáo Thiểu số khác vùng Tân Cương. Washington tuyên bố đây là hành động trừng phạt cuộc đàn áp người Hồi giáo tàn bạo mà Chính quyền Trung Quốc đang thực hiện ở khu vực Tân Cương. Bắc Kinh từ lâu đã bị Mỹ buộc tội giam giữ hơn 1 triệu người dân tộc Duy Ngô Nhĩ và một số dân tộc Hồi giáo khác.

Đáp trả cáo buộc này, ông Cảnh Sảng cho hay không có bất cứ hành vi vi phạm nhân quyền nào đang tồn tại ở Tân Cương. “Các biện pháp mà Chính phủ Trung Quốc áp dụng để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan là hoàn toàn phù hợp với luật pháp Trung Quốc nói riêng và thông lệ quốc tế nói chung”. 

Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố hành động trừng phạt này không liên quan đến xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Nhưng việc Mỹ đưa 28 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen ngay trước thềm đàm phán Mỹ Trung diễn ra vào 10/10 có ý nghĩa như một đòn giáng làm ảm đạm đi triển vọng tích cực của thỏa thuận. 

Về phía các Doanh nghiệp, nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất thế giới đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ quyết định này. “Hành động trừng phạt của Mỹ sẽ gây thiệt hại đáng kể với các đối tác kinh doanh của Hikvision, đồng thời tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ”. 

Lu Xiang, nhà nghiên cứu các vấn đề Hoa Kỳ làm việc tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: “Danh sách đen là một động thái rất không thân thiện của Chính phủ Mỹ, gây bất lợi cho mối quan hệ hữu nghị Mỹ Trung trước thềm đàm phán thương mại”.

Còn Julian Ku, giáo sư Luật từ Đại học Hofstra cho hay: “Thật bất thường khi phía Mỹ sử dụng danh sách đen để trừng phạt các hành động vi phạm nhân quyền. Động thái này đã đánh dấu một bước ngoặt, một sự thay đổi lớn trong cách Nhà Trắng sử dụng danh sách đen”.

Hồi tháng 4/2019, trước khi đàm phán Mỹ Trung đổ bể, một nhóm nhà lập pháp Mỹ đã thúc giục Chính quyền Trump có hành động trừng phạt các công ty Trung Quốc tham gia vào những hành động lạm dụng nhân quyền tại Tân Cương, tiêu biểu là Hikvision và Dahua Technology. Nhưng đến tháng 5/2019, Bộ Thương mại chỉ đưa gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei vào danh sách đen do cáo buộc gián điệp cho Bắc Kinh và ăn cắp bí mật thương mại, vi phạm lợi ích quốc gia Mỹ.

Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio sau đó đã đã ca ngợi động thái của Bộ Thương mại Mỹ. Ông cho biết nó có ý nghĩa như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến Đảng Cộng Sản Trung Quốc rằng Mỹ đang để mắt đến những hoạt động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống của Bắc Kinh đối với các dân tộc thiểu số như Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục