Ngư dân Mỹ đang mất chục triệu USD vì trừng phạt Nga

26/02/2020 06:23 GMT+7
Ước tính 40- 60 triệu USD của ngành khai thác thủy sản Alaska đã bay mất vì động thái đáp trả trừng phạt của Nga với Mỹ.
Ngư dân Mỹ đang mất chục triệu USD vì trừng phạt Nga - Ảnh 1.

Tàu đánh bắt cá hồi ở Alaska. Ảnh: Reuters

Ngư dân Alaska đang mất tới khoảng 40- 60 triệu USD mỗi năm từ năm 2014 trở lại đây vì các biện pháp đáp trả trừng phạt của Nga.

Theo dữ liệu của Viện tiếp thị hải sản Alaska (ASMI) được Daily Mail tiếp cận, Nga đã mua lượng sản phẩm thủy hải sản trị giá trung bình 40 triệu USD/năm từ các nhà sản xuất Alaska trong giai đoạn 2010-2013.

Năm 2013, lượng mua còn tăng vọt lên mức kỷ lục 61,3 triệu USD. Trong đó, trứng cá hồi chiếm hơn 76% giá trị xuất khẩu.Ngư dân ở Alaska đang mất tới 60 triệu đô la hàng năm sau khi tiếp cận một trong những thị trường trọng điểm của họ đã bị cắt giảm vào năm 2014, khi Nga áp đặt lệnh cấm vận thực phẩm để trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Theo dữ liệu, Nga từng là thị trường trọng điểm xuất khẩu quan trọng thứ hai của trứng cá hồi Alaska, sau Nhật Bản.

Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt với Nga sau sự kiện Crimea, buộc Moscow đáp trả bằng cách cấm nhập khẩu sản phẩm của Mỹ, đã khiến Alaska không chỉ mất khách hàng lớn mà còn làm tăng sự cạnh tranh từ các đối thủ Nga trên thị trường thủy sản ở Mỹ.

Mỹ đã không trừng phạt việc nhập khẩu thủy sản Nga. Hơn nữa, việc nhập khẩu thủy sản cũng không phải chịu các nghĩa vụ tương đương sản phẩm thủy sản của Mỹ.

Dữ liệu từ ASMI cho thấy, ngư dân Nga đang được hưởng lợi từ chính sách của Mỹ về ngành thủy sản.

Giá trị xuất khẩu thủy sản của Nga sang Mỹ đã tăng gần 70% trong 5 năm kể từ 2013 - từ 326 triệu USD lên 551 triệu USD.

Ngoài ra, Mỹ cũng đã nhập 50 triệu USD cá minh thái Alaska được đánh bắt ở Nga thông qua một công ty Trung Quốc.

ASMI nhận định, vùng biển ngoài khơi Viễn Đông của Nga có nhiều cua hơn Alaska, trong khi cá thì lại được tìm thấy ở cả 2 khu vực khiến các nhà sản xuất địa phương cạnh tranh trực tiếp tại thị trường trọng điểm. Các sản phẩm thủy sản Nga đã thu hút khách hàng với giá thấp hơn nhiều.

"Sau khi các nhà sản xuất thủy sản Nga tăng chấp lượng và khối lượng sản phẩm cạnh tranh trực tiếp, các nhà sản xuất Mỹ đã không thể cạnh tranh trong thị trường nội địa lớn và đang phát triển của Nga" - báo cáo của ASMI nêu rõ.

ASMI cũng cảnh báo về sự mất cân bằng thương mại thậm chí sẽ trở nên tồi tệ hơn khi Nga đang tích cực đầu tư vào ngành thủy sản và có thể tăng thêm giá trị của hải sản toàn cầu để đạt 8 tỷ USD trong bốn năm tới.

Không chỉ ngành thủy sản ở Alaska, hồi năm 2018, con số thống kê cũng cho thấy, một số công ty hoạt động trong ngành dầu mỏ của Mỹ cũng gánh thiệt hại, gã khổng lồ ExxonMobil là một ví dụ.

Ngoài những thiệt hại về lợi ích đầu tư trực tiếp hàng năm thu được, thiệt hại của Exxon Mobil còn phát sinh từ việc phải từ bỏ những dự án béo bở, trong đó có các dự án ở Bắc Cực và theo Exxon Mobil, riêng ở đây họ đã mất tới 200 tỷ USD.

Khi Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt đáp trả trừng phạt Mỹ, căn cứ vào kim ngạch xuất khẩu năm 2013, Nga có thể đã khiến Mỹ tổn thất 715 triệu USD/năm.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2013 từ Mỹ sang Nga đạt 1,3 tỷ USD. Lệnh cấm của Nga bao trùm lên 55% các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang thị trường này khiến Mỹ sẽ bị tổn thất 715 triệu USD.

Trước năm 2014, các công ty Mỹ là nhà xuất khẩu sản phẩm hoa quả dạng hạt lớn nhất vào thị trường Nga. Số liệu năm 2013 cho thấy, riêng quả hạnh có 95% thị phần nằm trong tay các nhà xuất khẩu Mỹ.

Với gà, Nga cũng ưu tái tới khoảng 50% thị trường cho Mỹ, đứng vị trí thứ tư các nhà nhập khẩu thịt gà lớn nhất của Mỹ.

Tổn thất về kinh tế khi áp đòn trừng phạt chắc chắn sẽ xảy ra. Song cũng chính nhờ các lệnh cấm này mà các nước có dịp để thay đổi tỷ trọng trong các ngành sản xuất và tìm kiếm những thị trường mới.

Theo Đất Việt
Cùng chuyên mục