Người Afghanistan và tiền điện tử (P2): cơ hội cho nền kinh tế tiền số 'nảy mầm' từ hỗn loạn

23/08/2021 06:30 GMT+7
Nhiều tín hiệu cho thấy có sự khởi đầu cho một nền kinh tế tiền điện tử tiềm năng ở Afghanistan, dù vẫn còn nhiều trở ngại lớn, đặc biệt là tình hình bất ổn chính trị.

(Tóm tắt phần 1: Người Afghanistan đang tìm tới các giao dịch tiền điện tử trong bối cảnh quốc gia này tiến vào một kịch bản hỗn loạn trong tuần qua: biên giới đóng cửa, nội tệ mất giá, thiếu tiền mặt trên cả nước và giá hàng hóa cơ bản tăng nhanh.)

Dấu hiệu của một nền kinh tế tiền số tiềm năng

Thật khó để có cái nhìn toàn diện về sự phát triển của thị trường tiền điện tử ở Afghanistan. Ngoài thực tế là việc tiếp cận ví điện tử không dễ dàng, có một rào cản khác: người giao dịch ẩn danh. Một số người Afghanistan luôn giấu địa chỉ IP hoặc sử dụng VPN hay các mạng ảo để che dấu vết kỹ thuật số về khu vực địa lý của họ. Thêm vào đó, cộng đồng người ưa chuộng tiền kỹ thuật số ở Afghanistan thường không muốn người khác biết về sự tồn tại của họ.

Chàng thanh niên Farhan Hotak cho hay: “Cộng đồng giao dịch tiền điện tử ở Afghanistan rất nhỏ. Họ không muốn gặp nhau”. Theo Hotak, điều này có thể thay đổi chừng nào tình hình chính trị trở nên bình thường hóa. Tuy nhiên hiện tại, “mọi người chỉ muốn ở ẩn cho đến khi mọi thứ tốt đẹp hơn”.

Người Afghanistan và tiền điện tử (P2): cơ hội cho nền kinh tế tiền số 'nảy mầm' từ hỗn loạn - Ảnh 1.

Farhan Hotak - nhà giao dịch tiền điện tử trẻ tuổi trong cộng đồng giao dịch tiền số ở Afghanistan (Ảnh: CNBC)

Nhưng có một nghiên cứu mới đây của công ty dữ liệu Blockchain Chainalysis có thể cung cấp một góc nhìn sơ lược về mạng lưới giao dịch tiền số P2P ở Afghanistan. Hotak và nhiều người bạn của anh đang sử dụng sàn P2P của Binance để giao dịch tiền ảo trực tiếp với các nhà giao dịch khác trên cùng nền tảng. Theo đó, chỉ số áp dụng tiền điện tử năm 2021 của Afghanistan đã tiến lên hạng 20 trong số 154 quốc gia được Chainalysis đánh giá. Nếu chỉ tính khối lượng giao dịch trên sàn P2P, Afghanistan đứng ở vị trí thứ 7. Mức tăng trưởng vô cùng đáng kinh ngạc, bởi năm ngoái, quốc gia này thậm chí không góp mặt trong bảng xếp hạng của Chainalysis.

Cũng có nhiều dấu hiệu khác cho thấy sự phát triển của kênh đầu tư giao dịch tiền điện tử tại Afghanistan. 

Gần một thập kỷ trước, hai chị em doanh nhân Afghanistan là Elaha và Roya - cùng tốt nghiệp khoa khoa học máy tính, Đại học Herat - đã thành lập quỹ  Digital Citizen, một tổ chức phi chính phủ giúp phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển tiếp cận với công nghệ. Tổ chức này có 11 trung tâm CNTT chỉ dành cho phụ nữ ở Herat và hai trung tâm khác ở Kabul, nơi họ dạy cho 16.000 phụ nữ về khoa học máy tính và công nghệ blockchain. Tạo ví tiền điện tử là một nội dung quan trọng trong chương trình giảng dạy. Theo bà Elaha Mahboob, một số sinh viên đã chọn cách đầu tư tiền kỹ thuật số như một “tài sản trú ẩn an toàn” , trong khi số ít đã đầu tư vào bitcoin hay ethereum cho các mục tiêu tài chính dài hạn. “Điều này đặc biệt quan trọng, vì mục đích các sinh viên này đầu tư tiền điện tử không phải vì lo lắng khi các ngân hàng lớn ở Afghanistan đóng cửa”.

Sự tiếp xúc của Afghanistan với thế giới tiền điện tử cũng diễn ra ngay trong chính dinh Tổng thống. Công ty blockchain Fantom từng tiết lộ với CNBC rằng họ có dự án hợp tác với chính phủ Afghanistan. Một trong những dự án liên quan đến việc Bộ Y tế nước này thí điểm sử dụng công nghệ bloackchain để theo dõi dược phẩm giả. Theo Fantom, thử nghiệm đã kết thúc thành công và hai bên đã chuẩn bị cho việc triển khai trên toàn quốc trước khi Taliban tiến hành đảo chính.

Nhìn chung, đang có nhiều tín hiệu cho thấy có sự khởi đầu cho một nền kinh tế tiền điện tử tiềm năng ở Afghanistan.

Vẫn còn nhiều rào cản lớn

Dù vậy, phải nhấn mạnh rằng quá trình tham gia vào nền kinh tế tiền điện tử ở Afghanistan rất phức tạp và vẫn còn nhiều rào cản. Theo DataReportal.com, chỉ có 8,64 triệu người dùng internet ở Afghanistan tính đến tháng 1/2021. Tỷ lệ tiếp cận internet mới chỉ ở mức 22%. Thêm vào đó, tình trạng mất điện thường xuyên diễn ra.

Musa Ramin, chàng trai 27 tuổi đang đầu tư tiền điện tử cho hay tình trạng mất điện xảy ra bình quân mỗi ngày một lần và kéo dài vài giờ đồng hồ. 

Còn Hotak thậm chí phải sử dụng mạng WiFi xuyên biên giới do “không có mạng internet phù hợp của Afghanistan”. Hotak cũng phải sử dụng năng lượng mặt trời để sạc điện thoại do tình hình mất điện kéo dài nhiều tiếng đồng hồ. 

Điện và kết nối internet ổn định là hai điều kiện vô cùng cần thiết cho việc áp dụng tiền điện tử rộng rãi. Điều quan trọng nữa là có quyền truy cập vào một số hình thức ngân hàng trực tuyến hoặc thẻ tín dụng được quốc tế công nhận. Trong khi đó, ước tính của Liên hợp quốc cho thấy 85% người dân Afghanistan không có tài khoản ngân hàng. 

Người Afghanistan và tiền điện tử (P2): cơ hội cho nền kinh tế tiền số 'nảy mầm' từ hỗn loạn - Ảnh 2.

Các giao dịch tiền mặt đóng vai trò chủ yếu ở Afghanistan (Ảnh: Getty Images)

Và thế là, để giao dịch tiền điện tử, người dân Afghanistan phải tìm nhiều cách khác nhau. Hotak và một số người trong số bạn bè của anh thường liên hệ để nhờ gia đình và bạn bè đang trú ẩn ở nước láng giềng Pakistan hay bên kia vịnh Oman, tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất giúp đỡ. Ở đó, họ tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống tài chính và thị trường toàn cầu. “Mọi thứ rất dễ dàng ở Pakistan. Hầu hết mọi người cũng có người thân ở Dubai - những người giúp họ lập thẻ tín dụng để giao dịch tiền điện tử”. Khi muốn bán số tiền điện tử, những người thân này sẽ thay mặt người giao dịch đứng lên bán chúng và sử dụng hệ thống hawala - một kênh chuyển tiền hoạt động bên ngoài hệ thống ngân hàng truyền thống - để chuyển tiền về Afghanistan. Cách thức giao dịch này đòi hỏi sự tin tưởng rất lớn. 

Thêm vào đó, tình trạng hỗn loạn chính trị ở Afghanistan cũng tác động lớn đến các nhà giao dịch tiền điện tử. Chẳng hạn, Hotak chia sẻ: “Thực tế là tôi không thể tập trung vào giao dịch tiền điện tử khi các sự kiện đang diễn ra ở Afghanistan ngày càng căng thẳng. Không có điện, mạng internet rất kém, giao dịch lúc này gần như là không thể. Do đó, chúng tôi chỉ đang duy trì”.

Cơ hội nào để áp dụng hàng loạt các giao dịch tiền điện tử tại Afghanistan?

Hôm 15/8, một tiếng rưỡi trước khi chuyến bay của Fusa Ramin tới Thổ Nhĩ Kỳ cất cánh, cựu Tổng thống Afghanistan Ghani đã đến sân bay ở Kabul. Sau đó, tất cả các chuyến bay bị tạm dừng.

Dù vẫn đang tìm cách rời Afghanistan cùng gia đình nhưng Ramin thừa nhận để tìm kiếm một chuyến bay ra khỏi đất nước là vô cùng khó khăn. Ramin sử dụng mọi mối quan hệ để đặt vé cho mình và 10 thành viên trong gia đình tới 3 lần. Nhưng cả 3 lần, các chuyến bay đều bị hủy. 

Người Afghanistan và tiền điện tử (P2): cơ hội cho nền kinh tế tiền số 'nảy mầm' từ hỗn loạn - Ảnh 3.

Những người Afghanistan chen chúc bên trong chiếc máy bay vận tải C-17 Globemaster III của Không quân Mỹ, chở khoảng 640 người từ Kabul, Afghanistan đến Qatar hôm 15/8 (Ảnh: Reuters)

Ramin ước tính rằng khoảng 5-10% giá trị tài sản ròng của anh ấy là tiền điện tử, điều này giúp dễ dàng hơn trong kế hoạch rời khỏi Afghanistan. Anh biết rằng số tiền trong tài khoản ngân hàng ở Kabul rất có thể sẽ bốc hơi nếu chính phủ mới được lập ra, và anh đã sẵn sàng chấp nhận việc mất tiền để đợi chờ cơ hội ra đi.

Nhưng có nhiều người lựa chọn ở lại, một phần vì muốn tạo ra sự thay đổi tích cực ở quê hương.

Có những người đang nghĩ về ý tưởng mở một cửa hàng giao dịch ở Kabul, theo đó bất kỳ ai có bitcoin đều có thể đổi chúng thành tiền pháp định (fiat) và sử dụng số tiền tệ này để mua hàng hóa thông thường.

“Trong những trường hợp này, người ta hoàn toàn có thể đánh giá cao đặc tính không cần kiểm duyệt của các tài sản dựa trên blockchain. Tôi tin rằng đây là động lực chính tạo nên giá trị cơ bản của bitcoin và các loại tiền điện tử khác” - nhận định của Andrea Barbon, Trợ lý Giáo sư Tài chính tại Đại học St. Gallen. 

Có những tín hiệu đầy hứa hẹn: số lượng người sử dụng mạng xã hội ở Afghanistan đã tăng 22% trong vòng 1 năm, từ năm 2020 đến 2021. Khoảng 68,7% dân số hiện có điện thoại di động, theo DataReportal.com. Cơ cấu dân số trẻ với hơn 60% người dưới 25 tuổi tạo động lực lớn cho nền kinh tế hiện đại và khả năng “thay máu”. Shakib Noori, cựu Giám đốc điều hành của một công ty tiền di động ở Afghanistan cho biết nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi này có xu hướng hiểu biết về công nghệ lớn hơn.


NTTD
Cùng chuyên mục