'Người trong cuộc' trần tình các hãng hàng không 'thanh khoản rất kém': Soi năng lực tài chính Vietjet (VJC), Vietnam Airlines (HVN)

27/02/2023 08:10 GMT+7
Đại diện các hãng bay cho biết, hiện doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các hãng bay quốc tế bắt đầu có lãi nhưng hãng bay Việt Nam vẫn còn thanh khoản rất yếu.

Thanh khoản các hãng hàng không Việt Nam rất yếu

Mới đây, tại buổi tọa đàm "Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt", đại diện các hãng bay Việt Nam đã bày tỏ những quan ngại về những khó khăn đang gặp phải. Bà Hồ Ngọc Yếu Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho rằng, các hãng bay quốc tế bắt đầu có lãi nhưng hãng bay Việt Nam vẫn còn thanh khoản rất yếu.

Bà Phương cho biết, các hãng hàng không không thể hồi phục và hạn chế vay ngân hàng vì bảo vệ kinh doanh tránh nợ xấu. Hàng không loay hoay với các chi phí phát sinh. Trong vài năm qua không hãng bay nào tuyên bố kinh doanh có lãi.

"Tăng trưởng hành khách thúc đẩy du lịch, dịch vụ và chỉ cần 1% tăng trưởng hành khách thì kéo theo tăng trưởng 2% GDP của Việt Nam. Vietjet đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp hàng không để không mất nguồn thu tại thị trường Việt Nam khi gặp phải sự cạnh tranh từ các hãng bay thế giới", bà Phương đề nghị.

Theo ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines, bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách và 60% doanh thu và nói ngành hàng không phục hồi là hoàn toàn không đúng.

Ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho rằng: "Tình hình tài chính của các hãng hàng không Việt Nam là không có "màu hồng" ngập ngụa trong nợ".

Theo ông Nam, các hãng bay đứng trước một cuộc khủng hoảng và nhiều rủi ro trong thời gian tới. 2 năm trước, các hãng hàng không lỗ và nợ nhiều, nhưng không sợ vì chủ cho thuê máy bay có lấy máy bay về cũng không biết cho ai thuê.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường cho thuê máy bay đã "nóng", châu Âu và Mỹ đang thiếu thuê máy bay. Nếu không trả nợ thì chủ cho thuê máy bay họ thẳng thừng thu hồi và thuê tòa án để kiện và thu tài sản.

Vietjet, Vietnam Airlines tăng gáng nặng trả nợ - "Mỗi nhà một cảnh"

Dữ liệu từ BCTC của hai hãng bay niêm yết cho thấy, thanh khoản của VJC và HVN rất yếu. Tiền mặt có tính thanh khoản cao nhất nhưng lượng trữ tiền của các doanh nghiệp này thấp, chỉ khoảng 3% -6% tổng tài sản; gần bằng 12% tổng vay nợ ngân hàng, tổ chức, trái phiếu ngắn và dài hạn. 

Tại BCTC hợp nhất Công ty CP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) ghi nhận tổng tài sản tính tới 31/12/2022 đạt 67.146,8 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Trong đó, khoản trữ tiền của công ty giảm nhẹ xuống 1.858,3 tỷ đồng (chiếm 2,7% tổng tài sản. Nếu tính cả khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn - không có thuyết minh chi tiết, trữ tiền của Vietjet đạt mức 3% tổng tài sản).

Tổng vay nợ của Vietjet tính tới 31/12/2022 ghi nhận hơn 17.560 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm, chiếm 26% tổng nguồn vốn. Vay nợ ngân hàng của VJC với 6.788,2 tỷ đồng, trong đó có 6.410 tỷ đồng vay ngắn hạn.

Soi thanh khoản của Vietjet (VJC), Vietnam Airline (HVN) trong năm 2022 - Ảnh 2.

Một số chỉ tiêu tài chính của hãng hàng không, tại ngày 31/12/2022 (tỷ đồng).

Về vay ngân hàng, VJC vay Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, một bên liên quan số tiền 2.918 tỷ đồng; vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam 1.469,9 tỷ đồng; vay Ngân hàng TMCP Quân đội 1.072 tỷ đồng; vay Ngân hàng TNHH Một Thành viên Woori Việt Nam số tiền 649,7 tỷ đồng; vay Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam gần 300 tỷ đồng.

Vay nợ dài hạn ghi nhận, vay ngân hàng giảm 72% so với đầu năm xuống hơn 378 tỷ đồng, trong đó, vay Ngân hàng TMCP Quân đội đến hạn trả 68,3 tỷ đồng, vay dài hạn gần 310 tỷ đồng. Về khoản vay này, Công ty thuyết minh, số dư nợ gốc được hoàn trả trong 17 kỳ 6 tháng, mỗi kỳ trả 1,4 triệu USD (tương đương 33 tỷ đồng) và kỳ cuối cùng trả 1,5 triệu USD (35 tỷ đồng) vào ngày 13/6/2028. Khoản vay này chịu lãi suất 3,94%/năm.

Soi thanh khoản của Vietjet (VJC), Vietnam Airline (HVN) trong năm 2022 - Ảnh 3.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý IV/2022 các công ty

Công ty vay trái phiếu dài hạn 10.650 tỷ đồng. Đây là các lô trái phiếu đều không có tài sản đảm bảo, đáo hạn từ năm 2023 - 2026, lãi suất từ 8,1% - 9,5%.

Ở báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Vietjet cho thấy hãng hàng không này hoạt động trên nền vay nợ khi dòng tiền thu vào từ đi vay tiếp tục cao hơn dòng tiền chi ra trả nợ.

Trong khi đó, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines; HoSE: HVN) cho thấy, tổng tài sản của Công ty tính tới cuối năm 2022 đạt 60.578,6 tỷ đồng, trong đó trữ tiền đạt 3.390,3 tỷ đồng (chiếm 5,6% tổng tài sản). Trong đó, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn chiếm phần lớn với 2.256 tỷ đồng; tiền gửi có kỳ hạn 905,3 tỷ đồng; tiền đang chuyển 73,5 tỷ đồng, tiền mặt đạt hơn 14 tỷ đồng; các khoản tương đương tiền ghi nhận 141 tỷ đồng; tiền gửi dài hạn 5,2 tỷ đồng.

Tổng nợ vay của HNV tính tới 31/12/2022 ghi nhận hơn 28.268 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn ghi nhận 13.400 tỷ đồng, vay dài hạn 14.868 tỷ đồng. Các khoản vay này không được thuyết minh cụ thể.

Tổng vay nợ của Vietnam Airlines đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm (giảm gần 7.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, nghĩa vụ trả người bán của Vietnam Airlines tăng mạnh thêm gần 11.000 tỷ đồng, lên 29.908 tỷ đồng. Dù vậy, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Vietnam Airlines cho thấy năm 2022 Tổng công ty đã giảm sử dụng đòn bẩy tài chính khi dòng tiền thu về từ đi vay thấp hơn nhiều so với dòng tiền chi ra để trả nợ. 


An Vũ
Cùng chuyên mục