'Người trong cuộc' trần tình các hãng hàng không 'thanh khoản rất kém', chưa thể hồi phục

25/02/2023 10:17 GMT+7
Chiều 24/2, tại buổi toạ đàm "Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt", các chuyên gia, lãnh đạo các hãng hàng không đã đề xuất loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn để hàng không phục hồi.

Nói hàng không phục hồi là chưa đúng

Đánh giá về thị trường hàng không, ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám Vietnam Airlines cho biết, sau Tết năm 2020 và Tết năm nay, Chính phủ mới công bố hết dịch Covid-19. Do đó, các con số cần phải so sánh với con số trước đại dịch Covid-19.

Theo ông Thành, năm 2022, thị trường nội địa tăng 13% so với 2019, bay quốc tế chỉ đạt 22% so với 2019. Con số này được cải thiện qua từng tháng, và đến tháng 12/2022 vừa bằng 50% của năm 2019.

"Bay quốc tế đóng góp 40% sản lượng khách, 60% doanh thu và nội địa là ngược lại. Việc nói phục hồi thì hoàn toàn không đúng", ông Thành cho rằng hàng không chưa hồi phục.

Lãi suất ngân hàng "đóng cửa", hàng không không thể hồi phục - Ảnh 1.

Thị trường hàng không nội địa phục hồi nhưng chưa hẳn là phục hồi hoàn toàn. Ảnh: CTV

Ông Thành lấy dẫn chứng, báo cáo của Hiệp hội vận tải hàng không thế giới (IATA) khu vực châu Á - Thái bình Dương, tốc độ phục hồi hàng không các khu vực không đồng đều, riêng châu Á - Thái Bình Dương là chậm nhất so với các khu vực khác. Dự kiến lạc quan cuối 2024 mới phục hồi so với 2019.

Ngày 8/1 vừa qua, Trung Quốc chưa đưa Việt Nam vào 20 quốc gia cấp visa theo đoàn. Nhật Bản và Hàn cũng đang siết lượng khách.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways cho biết, Việt Nam vào tháng 3/2022, Chính phủ chính thức tuyên bố bắt đầu mở cửa giao thương, trong đó có du lịch và hàng không.

Tuy nhiên, các con số tăng trưởng không đạt được như kỳ vọng về du lịch và hàng không bởi nguyên nhân các thị trường hàng không truyền thống đi/đến Việt Nam đều chưa mở cửa hoặc mở cửa rất thận trọng như Trung Quốc, Nhật Bản (người dân e ngại đi du lịch nước ngoài, chọn đi trong nước vì lý do an toàn và xuất phát yếu tố thu nhập),…

Lãi suất ngân hàng "đóng cửa", hàng không không thể hồi phục - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Mạnh Quân, Tổng giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: TA

"Doanh thu từ thị trường hàng không từ Trung Quốc chiếm 30%. Nguy cơ và sự phục hồi chưa đạt được như kỳ vọng", ông Quân nêu rõ.

Ông Quân đánh giá các doanh nghiệp vận tải hàng không và du lịch còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Thị trường hàng không trong nước là 1 trong thị trường may mắn vì có thị trường nội địa, đã hỗ trợ cho các hãng bay.

Bây giờ có thị trường để bay là tốt, huống chi đạt con số bằng hoặc vượt so với 2019. Vai trò của thị trường nội địa đóng góp hơn nữa. Bởi sau đại dịch, chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị đứt gãy và ảnh hưởng nặng nề đã làm các chi phí đầu vào tăng lên. Vì vậy, thị trường có đạt tăng trưởng nhưng thực chất hiệu quả tăng trưởng kinh tế mang lại vẫn chưa cao và bền vững.

"Thị trường quốc tế vẫn còn rất nhiều vấn đề phía trước. Còn chậm 2 năm nữa so với trước đại dịch Covid-19", ông Quân cho hay.

Các hãng hàng không còn thanh khoản yếu

Đồng quan điểm với những ý kiến nêu trên, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet cho biết, Trung Quốc quan ngại mở cửa vì Covid-19 nhưng quốc tế đã mở cửa hoàn toàn từ lâu.

"Các hãng bay quốc tế bắt đầu có lãi nhưng hãng bay Việt Nam vẫn còn thanh khoản rất yếu", bà Phương đánh giá.

Lãi suất ngân hàng "đóng cửa", hàng không không thể hồi phục - Ảnh 3.

Bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet. Ảnh: CTV

Về giải pháp hỗ trợ, bà Phương cho biết, các hãng hàng không không thể hồi phục và hạn chế vay ngân hàng vì bảo vệ kinh doanh tránh nợ xấu. Hàng không loay hoay với các chi phí phát sinh. Trong vài năm qua không hãng bay nào tuyên bố kinh doanh có lãi.

Tuy nhiên, thị trường hàng không nội địa lớn, dịp Tết vừa qua Cảng hàng không Tân Sơn Nhất và Đà Nẵng nhộn nhịp, đang trong tiến trình hồi phục về mặt thị trường. Nếu có cơ chế khơi thông thì các hãng bay phục hồi từ thị trường trong năm 2023.

"Tăng trưởng hành khách thúc đẩy du lịch, dịch vụ và chỉ cần 1% tăng trưởng hành khách thì kéo theo tăng trưởng 2% GDP của Việt Nam. Vietjet đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước có chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp hàng không để không mất nguồn thu tại thị trường Việt Nam khi gặp phải sự cạnh tranh từ các hãng bay thế giới.

Ở góc độ khác, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho rằng: "Tình hình tài chính của các hãng hàng không Việt Nam là không có "màu hồng" ngập ngụa trong nợ".

Theo ông Nam, các hãng bay đứng trước một cuộc khủng hoảng và nhiều rủi ro trong thời gian tới. 2 năm trước, các hãng hàng không lỗ và nợ nhiều, nhưng không sợ vì chủ cho thuê máy bay có lấy máy bay về cũng không biết cho ai thuê.

Tuy nhiên, hiện nay thị trường cho thuê máy bay đã "nóng", châu Âu và Mỹ đang thiếu thuê máy bay. Nếu không trả nợ thì chủ cho thuê máy bay họ thẳng thừng thu hồi và thuê tòa án để kiện và thu tài sản.

Thế Anh
Cùng chuyên mục