Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiến về sát ngưỡng 3%, "lộ" nợ xấu tiềm ẩn mới nhất

03/05/2023 19:43 GMT+7
Ngân hàng Nhà nước xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.

Báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, NHNN luôn xác định việc kiểm soát, xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt gắn với công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Theo đó, NHNN đã chủ động triển khai các biện pháp tăng cường công tác thanh tra, giám sát đối với hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), góp phần đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro trong hoạt động ngân hàng.

Thứ nhất, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/6/2022) để khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thứ hai, ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2023; trong đó chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Đồng thời, NHNN định hướng dư nợ tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro… để hạn chế nợ xấu mới phát sinh.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiến về sát ngưỡng 3%, "lộ" nợ xấu tiềm ẩn mới nhất - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiến về sát ngưỡng 3%, "lộ" nợ xấu tiềm ẩn mới nhất.

Thứ ba, có nhiều văn bản chỉ đạo các TCTD yêu cầu các ngân hàng thương mại bảo đảm mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tích cực triển khai các biện pháp để hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2, nợ xấu, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ đối với hoạt động cấp tín dụng; tuân thủ các quy định về giới hạn và tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, tăng cường phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro tín dụng; tích cực, chủ động và có biện pháp kiểm soát việc triển khai thực hiện xử lý nợ xấu, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật nói chung, Nghị quyết 42 nói riêng.

NHNN cũng chỉ đạo các TCTD chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý TSBĐ nhằm thu hồi tối đa giá trị TSBĐ và các khoản nợ xấu; Tích cực thực hiện truyền thông về công tác xử lý nợ xấu để nâng cao ý thức trả nợ của khách hàng....

Thứ tư, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trên địa bàn trong việc xử lý nợ xấu, xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu, đặc biệt là hỗ trợ trong thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương để xử lý nợ xấu, TSBĐ; tạo điều kiện để TCTD có thể xử lý nhanh TSBĐ của các khoản nợ xấu liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, NHNN cũng yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu nhằm kiểm soát, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng.

Thứ năm, đối với Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), NHNN thực hiện giám sát thường xuyên tiến độ, kết quả xử lý nợ xấu của VAMC; có văn bản chỉ đạo VAMC chủ động phối hợp với TCTD để rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ các khoản nợ xấu đã mua theo đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu đã mua theo các tiêu chí khác nhau để đánh giá mức độ rủi ro, khả năng thu hồi của các khoản nợ xấu; rà soát, xác định rõ các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý TSBĐ...

Thứ sáu, làm việc trực tiếp với một số TCTD để nắm rõ thực trạng chất lượng tín dụng, kế hoạch và lộ trình xử lý nợ xấu, cấp tín dụng đối với một số lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT giao thông, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp...

Trên cơ sở đó, chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng và yêu cầu có lộ trình giảm dần tín dụng trung, dài hạn, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Thứ bảy, đưa nội dung thanh tra về tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu vào kế hoạch thanh tra chuyên ngành đối với các cuộc thanh tra pháp nhân định kỳ hàng năm.

Thứ tám, NHNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD , trong đó có đánh giá thực trạng nợ xấu, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và các giải pháp, biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.

Về kết quả xử lý nợ xấu và tình hình nợ xấu, NHNN cho biết, trong tháng 02/2023, toàn hệ thống các TCTD xử lý được 21,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Trong đó, xử lý nợ xấu chủ yếu thực hiện thông qua hình thức sử dụng dự phòng rủi ro (chiếm tỷ trọng 41% tổng nợ xấu xử lý) và khách hàng trả nợ (chiếm 48,8% tổng nợ xấu xử lý).

Bên cạnh việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng đạt được kết quả tích cực. Lũy kế từ khi Nghị quyết có hiệu lực (ngày 15/8/2017) đến cuối tháng 01/2023, toàn hệ thống đã xử lý được 416 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 đạt 211,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 50,9% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 122,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 29,3% tổng nợ xấu đã xử lý); xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 82,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 19,7%).

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 01/2023, các TCTD đã sử dụng khoảng 223,5 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 và bán nợ xấu cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt đạt 40,5 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 02/2023 là 2,91% (tăng so với mức 2,46% vào cuối năm 2016; mức 1,49% vào cuối năm 2021 và mức 2,0% vào cuối năm 2022).

Mặc dù theo báo cáo của các TCTD, song theo NHNN tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Tuy nhiên, qua rà soát, đánh giá, NHNN nhận thấy có một số khoản chưa phải là nợ xấu theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng có nguy cơ chuyển nợ xấu (như các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với mục đích cơ cấu lại nợ, các khoản phải thu khó đòi, lãi dự thu phải thoái...).

Do đó, NHNN cho rằng cần ghi nhận những khoản này để có giải pháp quản lý, xử lý nhằm ngăn ngừa nguy cơ chuyển nợ xấu trong tương lai. Trên nguyên tắc đó, NHNN xác định tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các TCTD đến cuối tháng 02/2023 ước chiếm tỷ lệ 5% so với tổng dư nợ.


H.Anh
Cùng chuyên mục