Chủ tịch Ngô Chí Dũng: VPBank "không thua" về phòng thủ nợ xấu, chia cổ tức tiền mặt 5 năm tới
Theo đó, năm 2023 VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 13% lên hơn 24.000 tỷ đồng. Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận này tương đương 53%.
Tổng tài sản dự kiến tăng 39% lên trên 877.000 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 41% lên 518.192 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 33% lên 635.972 tỷ đồng. Nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong quý I/2023, VPBank ghi nhận kết quả tích cực về tăng trưởng tín dụng và huy động của ngân hàng mẹ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 7%, trong khi huy động vốn tăng 11,5%.
Tuy nhiên, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt 4.000 tỷ đồng. Nguyên nhân, theo Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh đó là do trong kỳ ngân hàng đã trích lập dự phòng tới 2.600 tỷ đồng. Chưa kể, FE Credit vẫn còn khó khăn, ghi nhận lỗ trong quý I/2023.
Như vậy, với khoản lợi nhuận 4.000 tỷ đồng, ngân hàng mẹ mới "đi được" 1/5 mục tiêu lợi nhuận cả năm. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo VPBank vẫn tự tin "về đích" trong năm 2023
"Mặc dù lợi nhuận quý I mới chỉ đạt 4.000 tỷ đồng, nhưng mục tiêu 24.000 tỷ đồng không quá xa. Bởi lẽ, vào quý III và quý IV, ngân hàng thường bứt tốc mạnh hơn và nợ xấu cũng sẽ giảm", Tổng giám đốc VPBank nêu quan điểm.
Riêng về vấn đề nợ xấu, ông Vinh cho hay trong quý I/2023, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng mẹ tăng từ 2,19% lên 2,6%. Ông dự báo, tỷ lệ nợ xấu tiếp tục tăng trong quý II. Điều này khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.
Mặc dù vậy, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, với các giải pháp hỗ trợ khách hàng mà ngân hàng đang thực hiện, nợ xấu sẽ giảm đáng kể nửa cuối năm. Mục tiêu của ngân hàng là nợ xấu cả năm nay ở mức 2,2%.
Chủ tịch Ngô Chí Dũng nhấn mạnh thêm, so với các ngân hàng khác, nợ xấu của VPBank có điểm khác biệt là chủ yếu do nợ cho vay tiêu dùng (tại FE Credit), đa số khoản vay không có tài sản đảm bảo nên khi thành nợ xấu thì phải dùng tiền để xử lý.
Chính vì vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank không cao như một số ngân hàng khác song thực chất lại đủ để đảm bảo xử lý mọi rủi ro xảy ra. Hiện tổng dự phòng rủi ro của VPBank là hơn 19.000 tỷ đồng và hơn một nửa để "xóa bỏ" nợ xấu.
"Về phòng thủ nợ xấu, VPBank không hề thua kém các ngân hàng khác trên thị trường", Chủ tịch VPBank nói.
Một nội dung khác được đại hội thông qua nhận được sự quan tâm lớn của cổ đông đó là phương án phân phối lợi nhuận. Theo đó, năm nay VPBank không đưa ra kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu mà chỉ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 10%, thực hiện vào khoảng quý II - III/2023. Như vậy, với tỷ lệ này, VPBank sẽ chi hơn 7.900 tỷ đồng trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.
Thế nhưng, niềm vui của các cổ đông còn được nhân lên khi vị Chủ tịch VPBank cho hay: "Trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026, chúng tôi đặt mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Với nền tảng chúng ta có được, VPBank sẽ duy trì tăng trưởng cao và đủ dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông".