Nguy cơ Mỹ vỡ nợ: Cảnh báo hậu quả "tàn khốc"

29/09/2021 13:04 GMT+7
Hôm 28/9 (giờ Mỹ), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell đã có phiên điều trần trước các nhà lập pháp Quốc hội, trong đó đưa ra những cảnh báo về “hậu quả tàn khốc” của nguy cơ Chính phủ đóng cửa và vỡ nợ.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cùng đưa ra một thông điệp khẩn cấp: tiếp tục tài trợ cho chính phủ Mỹ duy trì hoạt động, nếu không đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 có thể sẽ hoàn toàn đình trệ.

Hai quan chức tài chính hàng đầu nước Mỹ đã có phiên điều trần về hàng loạt vấn đề, từ ngân hàng cho đến bất động sản, cũng như sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế sau đại dịch. Tuy nhiên, cả hai đồng thời cảnh báo về hậu quả kinh tế - xã hội nếu Quốc hội không thông qua dự luật phân bổ ngân sách để duy trì hoạt động của chính phủ cũng như nâng trần nợ trong tháng tới.

Cảnh báo được đưa ra sau khi Đảng Cộng hòa hôm 27/9 thành công ngăn chặn dự luật phân bổ ngân sách Chính phủ do Đảng Dân chủ đề xuất với tỷ lệ sít sao: 48 phiếu thuận và 50 phiếu bác. Kết quả này khiến Thượng viện Mỹ đi tới quyết định bác bỏ việc đình chỉ trần nợ công cũng như dự luật phân bổ ngân sách nhằm ngăn chặn nguy cơ chính phủ ngừng hoạt động từ ngày 30/9 tới. 

Nguy cơ Mỹ vỡ nợ: Cảnh báo hậu quả "tàn khốc" - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Fed cảnh báo nóng về hậu quả "tàn khốc" khi nước Mỹ vỡ nợ (Ảnh: Getty Images)

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ có thể làm sụp đổ lòng tin vào đồng USD với tư cách đồng tiền dự trữ toàn cầu, đồng thời trì hoãn các khoản trợ cấp an sinh xã hội, trả lương cho quân nhân và rất nhiều khoản thanh toán khác của chính phủ - vốn là nguồn sinh kế chính với một lượng lớn người Mỹ.

“Quốc hội bắt buộc phải giải quyết vấn đề giới hạn nợ. Nếu không, ước tính hiện tại của chúng tôi cho thấy các biện pháp đặc biệt bổ sung của Bộ Tài chính có khả năng sẽ hết hiệu lực từ ngày 18/10 tới. Tại thời điểm đó, chúng tôi cho rằng Bộ Tài chính sẽ sớm cạn kiệt với nguồn lực tài chính còn lại vô cùng hạn chế. Đó sẽ là lần đầu tiên nước Mỹ vỡ nợ trong lịch sử. Niềm tin và sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế với Mỹ sẽ suy giảm, và kết quả là đất nước có nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế” - bà Janet Yellen nhấn mạnh.

Trần nợ công là mức giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7. Hiện Mỹ đang có mức trần nợ công 28,4 nghìn tỷ USD. Các nhà phân tích dự báo với tốc độ vay nợ như hiện tại, Bộ Tài chính Mỹ sẽ mất quyền phát hành trái phiếu vào giữa tháng 10 tới, qua đó kéo theo nguy cơ vỡ nợ do mất khả năng thanh toán các khoản nợ trái phiếu đến hạn.

Trước đó, hôm 2/8, trong nỗ lực tránh nguy cơ vỡ nợ chính phủ, Bộ Tài chính đã thông báo chính thức về việc bắt đầu khởi động các biện pháp đặc biệt khẩn cấp bao gồm tạm dừng các khoản thanh toán thường xuyên cho nhiều loại quỹ hưu trí trong nỗ lực duy trì nguồn tiền mặt, thời gian tạm dừng kéo dài từ ngày 2/8 đến hết ngày 30/9. Đây được coi là một giải pháp tình thế nhằm duy trì ngân sách hoạt động cho chính phủ Mỹ trong khi chờ đợi Quốc hội thông qua dự luật phân bổ ngân sách và đình chỉ trần nợ công. “Tôi trân trọng kêu gọi Quốc hội bảo vệ sự tín nhiệm và niềm tin vào hệ thống tài chính của Mỹ bằng cách hành động càng sớm càng tốt” - bà Janet Yellen kêu gọi hồi tháng 8.

Bộ trường Tài chính Mỹ nói thêm rằng việc nâng trần nợ là động thái cần thiết để ngăn chặn hậu quả “thảm khốc” với nền kinh tế. 

Về phía Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Fed Jerome Powell, ông bày tỏ sự đồng tình với bà Janet Yellen rằng nguy cơ Mỹ vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả “tàn khốc” cho nền kinh tế. “Tôi nghĩ rằng cần thiết phải tăng trần nợ kịp thời để tránh nguy cơ vỡ nợ dưới bất kỳ hình thức nào, bởi những tác động tiềm ẩn của nó là vô cùng nghiêm trọng”.

Phiên điều trần diễn ra tại thời điểm Mỹ công bố hàng loạt dữ liệu kinh tế cho thấy đà phục hồi hậu đại dịch có thể đang chậm lại trong khi lạm phát tiếp tục tăng và tình trạng thiếu hụt lao động vẫn đang tiếp diễn. Theo dữ liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, người Mỹ hiện đang phải vật lộn với tình trạng lạm phát giá tăng cao, từ lương thực cho đến năng lượng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 đã tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chỉ số giá nhà ở trong tháng 7/2021 đã tăng tới 19,2% so với tháng 7/2020.

Sự gia tăng các ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể Delta dễ lây lan đang đe dọa đà tăng trưởng của nền kinh tế số 1 hành tinh. Ông Powell cảnh báo chặng đường tiếp theo của nền kinh tế tiếp tục phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch và hành động của chính phủ để kiểm soát đại dịch, vẫn còn rủi ro lớn với triển vọng kinh tế.


NTTD
Cùng chuyên mục