Bộ Tài chính Mỹ kích hoạt các biện pháp khẩn cấp trước nguy cơ vỡ nợ và đóng cửa chính phủ

03/08/2021 08:13 GMT+7
Bộ Tài chính Mỹ sẽ khởi động các biện pháp đặc biệt khẩn cấp từ ngày 2/8 (giờ địa phương) để ngăn Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ khi việc đình chỉ trần nợ công hết hạn vào cuối tháng 7 qua.

Theo các nhà kinh tế, các biện pháp đặc biệt sẽ cho phép Bộ Tài chính Mỹ tạm dừng các khoản thanh toán hoặc đầu tư mới để duy trì dòng tiền mặt mà không làm tăng tổng nợ trong khoảng 2-3 tháng. Sau đó, Quốc hội sẽ cần nâng trần nợ công hoặc thông qua một bước đình chỉ trần nợ công mới để tránh cho Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ.

Trần nợ công là mức giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. Trần nợ ngăn Bộ Tài chính phát hành thêm trái phiếu mới để tài trợ cho hoạt động của chính phủ khi nợ chính phủ đạt đến một mức nhất định. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7 vừa qua. Kể từ ngày 1/8, trần nợ sẽ được tái áp đặt ở mức 22.000 tỷ USD như cũ, cộng thêm gánh nặng nợ khổng lồ tích lũy suốt giai đoạn đình chỉ trần nợ. Hồi tháng 7, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính trần nợ mới sẽ tăng thêm lên mức khoảng 28,5 nghìn tỷ USD.

Vào chiều 2/8 (giờ Mỹ), Bộ Tài chính đã thông báo cho Quốc hội Mỹ về việc bắt đầu khởi động các biện pháp đặc biệt khẩn cấp. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen giải thích với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng Bộ này sẽ tạm dừng các khoản thanh toán thường xuyên cho nhiều loại quỹ hưu trí trong nỗ lực duy trì nguồn tiền mặt. Thời gian tạm dừng sẽ kéo dài từ ngày 2/8 đến hết ngày 30/9, theo bà Yellen. “Tôi trân trọng kêu gọi Quốc hội bảo vệ sự tín nhiệm và niềm tin vào hệ thống tài chính của Mỹ bằng cách hành động càng sớm càng tốt”.

Bộ Tài chính Mỹ kích hoạt các biện pháp khẩn cấp trước nguy cơ vỡ nợ và đóng cửa chính phủ - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen (Ảnh: Reuters)

Trước đó, trong thư gửi các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ hôm 23/7, bà Janet Yellen đã cảnh báo nguy cơ chính phủ Mỹ đối diện với tình trạng vỡ nợ ngay trước mắt: “Nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công hoặc đình chỉ trần nợ trước ngày 2/8/2021, Bộ Tài chính có thể buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt bổ sung để ngăn nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ”.

Mặc dù chính phủ Mỹ chưa bao giờ rơi vào tình trạng vỡ nợ, nhưng các nhà quan sát cảnh báo nguy cơ vỡ nợ có thể gây ra những tác động tồi tệ cho nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung. Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu đã là một trong những tài sản an toàn bậc nhất hành tinh, được xem như tiêu chuẩn đo lường tất cả các rủi ro khác trong nền kinh tế. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu có thể thúc đẩy lãi suất tăng vọt, làm tăng chi phí vay trong mọi lĩnh vực từ thế chấp nhà ở đến trả góp ô tô. Thị trường chắc chắn sẽ biến động mạnh mẽ và lao dốc.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhận định: “Nền kinh tế không cần thêm một cuộc khủng hoảng nhân tạo nào nữa… Sự phân cực chính trị gay gắt ở Washington đang khiến các chính trị gia bắt đầu thảo luận về những khả năng kinh khủng như “vỡ nợ””.

Giáo sư kinh tế Karen Dynan của Đại học Harvard cũng cho hay: “Chính phủ cần có quỹ để trả lợi suất trái phiếu. Một khi họ ngừng trả lãi các khoản nợ mà họ phát hành, điều này có thể gây bất ổn lớn cho thị trường tài chính”. 

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên khẳng định: “Quốc hội có trách nhiệm nâng hoặc đình chỉ trần nợ công để trang trải các khoản chi tiêu mà Quốc hội đã cho phép trong nhiều năm qua”. 

Tuy nhiên, các nhà lập pháp lưỡng đảng hiện đang bất đồng về một dự luật cho phép nâng hoặc đình chỉ trần nợ công như vậy. Bản thân lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu để nâng trần nợ công nếu Quốc hội không đồng ý cắt giảm chi tiêu mới. Thông điệp này được xem như một sự thay đổi lập trường mạnh mẽ của đảng Cộng hòa Mỹ, bởi trước đó dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đảng này đã bỏ phiếu ủng hộ đình chỉ trần nợ để xúc tiến các chính sách của chính phủ. Việc đình chỉ trần nợ đã khiến nợ chính phủ Mỹ tăng vọt 7.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ của ông Trump.

Về phía Đảng Dân chủ, các nhà lập pháp đảng này đang tìm cách gắn việc tăng trần nợ với các dự án cơ sở hạ tầng mà lưỡng đảng đang thảo luận tại Thượng viện để tránh nguy cơ vỡ nợ chính phủ.

Nhìn chung, trong trường hợp lưỡng đảng Mỹ không thống nhất được giải pháp về việc tăng trần nợ hay đình chỉ trần nợ, việc cạn tiền mặt sẽ dẫn đến nguy cơ chính phủ Mỹ buộc phải ngừng hoạt động.


NTTD
Cùng chuyên mục