Lưỡng đảng Mỹ loay hoay giữa cuộc chiến trần nợ công và nguy cơ đóng cửa chính phủ

24/07/2021 16:47 GMT+7
Con đường phục hồi của nền kinh tế lớn nhất hành tinh đang đối mặt với hàng loạt trở ngại: lạm phát tăng vọt, biến thể delta lây lan nhanh chóng và nguy cơ cạn tiền mặt, vỡ nợ vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Lưỡng đảng Mỹ châm ngòi cuộc chiến trần nợ công 

Trong thư gửi các nghị sĩ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ hôm 23/7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nguy cơ chính phủ Mỹ đối diện với tình trạng vỡ nợ ngay trước mắt: “Nếu Quốc hội không tăng mức trần nợ công hoặc đình chỉ trần nợ trước ngày 2/8/2021, Bộ Tài chính có thể buộc phải áp dụng các biện pháp đặc biệt bổ sung để ngăn nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ”.

Trần nợ công là mức giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ. Vào năm 2019, Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu đình chỉ quy định về trần nợ đến hết ngày 31/7 tới đây. Kể từ ngày 1/8 tới, trần nợ sẽ được tái áp đặt ở mức 22.000 tỷ USD như cũ, cộng thêm gánh nặng nợ khổng lồ tích lũy suốt giai đoạn đình chỉ trần nợ.

Bộ Tài chính có thể thực hiện các biện pháp nghiệp vụ đặc biệt để giữ cho chính phủ tránh khỏi nguy cơ vỡ nợ, nhưng thời gian cầm cự không lâu. Theo ước tính của văn phòng ngân sách Quốc hội CBO, nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ hoặc đình chỉ trần nợ như những gì đã làm vào hai năm về trước, chính phủ Mỹ rất có thể sẽ cạn tiền mặt vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.

Bà Janet Yellen cho biết hành động nâng trần nợ công không làm gia tăng chi tiêu chính phủ, mà nó mở ra cho Bộ Tài chính dư địa tài chính rộng lớn hơn để tài trợ cho các hoạt động đã được Quốc hội phê duyệt.

Lưỡng đảng Mỹ loay hoay giữa cuộc chiến trần nợ công và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Ảnh 1.

Việc Mỹ vỡ nợ lúc này chắc chắn sẽ là thảm họa với nền kinh tế toàn cầu nói chung (Ảnh: Bloomberg)

Việc Mỹ vỡ nợ lúc này chắc chắn sẽ là thảm họa với nền kinh tế toàn cầu nói chung. Trái phiếu chính phủ Mỹ từ lâu đã là một trong những tài sản an toàn bậc nhất hành tinh, được xem như tiêu chuẩn đo lường tất cả các rủi ro khác trong nền kinh tế. Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu có thể thúc đẩy lãi suất tăng vọt, làm tăng chi phí vay trong mọi lĩnh vực từ thế chấp nhà ở đến trả góp ô tô. Thị trường chắc chắn sẽ biến động mạnh mẽ và lao dốc.

Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhận định: “Nền kinh tế không cần thêm một cuộc khủng hoảng nhân tạo nào nữa… Sự phân cực chính trị gay gắt ở Washington đang khiến các chính trị gia bắt đầu thảo luận về những khả năng kinh khủng như “vỡ nợ””.

Chris Krueger, giám đốc điều hành tại Cowen Washington Research Group nhận định: “Rất ít rủi ro chính sách ở Washington có khả năng hủy hoại nền kinh tế như (vỡ nợ chính phủ)”.

Trong một phiên điều trần trước Quốc hội hồi tháng 5, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đã kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ bằng mọi cách không để xảy ra tình trạng vỡ nợ, bởi một vụ vỡ nợ thực tế có thể gây ra thiệt hại kinh hoàng kéo dài đến cả thế kỷ cho nước Mỹ. Đồng tình với quan điểm này, nhà kinh tế trưởng Joe Brusuelas nhận định: “Nếu có ai đó muốn gây ra hỗn loạn trên khắp các thị trường tài chính cũng như thổi bùng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo, thì (việc Mỹ vỡ nợ) sẽ là con đường nhanh nhất”. 

Nhưng đến tuần này, ông Jamie Dimon đã phải cảnh báo về một cuộc chiến trần nợ công trong Quốc hội.  Bản thân lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện, nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell đã tuyên bố sẽ không bỏ phiếu để nâng trần nợ công nếu Quốc hội không đồng ý cắt giảm chi tiêu mới. Thông điệp này được xem như một sự thay đổi lập trường mạnh mẽ của đảng Cộng hòa Mỹ, bởi trước đó dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đảng này đã bỏ phiếu ủng hộ đình chỉ trần nợ để xúc tiến các chính sách của chính phủ. Việc đình chỉ trần nợ đã khiến nợ chính phủ Mỹ tăng vọt 7.000 tỷ USD trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump.

Về phía Đảng Dân chủ, các nhà lập pháp đảng này đang tìm cách gắn việc tăng trần nợ với các dự án cơ sở hạ tầng mà lưỡng đảng đang thảo luận tại Thượng viện để tránh nguy cơ vỡ nợ chính phủ.

Nhìn chung, trong trường hợp lưỡng đảng Mỹ không thống nhất được giải pháp về việc tăng trần nợ hay đình chỉ trần nợ, việc cạn tiền mặt sẽ dẫn đến nguy cơ chính phủ Mỹ buộc phải ngừng hoạt động. 

Chính phủ Mỹ từng nhiều lần “đóng cửa”

Trong 1 thập kỷ qua, Mỹ đã ghi nhận 3 lần chính phủ đóng cửa vào năm 2013, 1/2018 và tháng 12/2018. Những lần chính phủ ngừng hoạt động này đã dẫn đến hàng chục nghìn nhân viên không thiết yếu bị cho nghỉ phép và những người ở các vị trí trọng yếu khác thì buộc phải làm việc mà không được trả lương.

Lưỡng đảng Mỹ loay hoay giữa cuộc chiến trần nợ công và nguy cơ đóng cửa chính phủ - Ảnh 3.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Mỹ từng ba lần ngừng hoạt động (Ảnh: The Washington Post)

Nhưng lần này, nguy cơ đóng cửa chính phủ do bất đồng lưỡng đảng Mỹ đang đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một thách thức khác trong bối cảnh lạm phát chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và các ca nhiễm mới Covid-19 do biến thể delta đe dọa đà phục hồi. 

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs nhận định: “Thời điểm diễn ra tranh cãi về trần nợ đến cùng lúc với các cuộc tranh luận về chính sách tài khóa rộng rãi hơn có thể dẫn tới nhiều bất ổn từ nay đến cuối tháng 9”.

Điều may mắn là tại thời điểm hiện tại, phố Wall không bị ảnh hưởng quá lớn. Bất chấp phiên giao dịch lao dốc đầu tuần này, thị trường chứng khoán Mỹ hiện vẫn ở mức tiệm cận đỉnh kỷ lục. Không có dấu hiệu cho thấy nguy cơ bán tháo do rủi ro vỡ nợ chính phủ. 

Guy LeBas, chiến lược gia trưởng phụ trách thu nhập cố định tại Janney Capital Markets nhận định: “Chúng ta đã ở trong những tình thế như vậy trước đây”, và các nhà đầu tư đã thích nghi với điều đó. Nhà đầu tư sẽ chỉ lo ngại trước rủi ro thực sự khi Bộ Tài chính Mỹ không thanh toán các tín phiếu kho bạc đến kỳ đáo hạn. Thêm vào đó, từ giờ đến khi các biện pháp khẩn cấp của Bộ Tài chính bắt đầu, Quốc hội còn khoảng 3-4 tháng để thảo luận về việc nâng trần nợ công.


NTTD
Cùng chuyên mục