Ông Biden nói nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ nhưng dữ liệu việc làm cho thấy một bức tranh rất khác
“Những gì chúng ta đang chứng kiến là đà phục hồi kinh tế bền vững và mạnh mẽ” - ông Biden nhấn mạnh trong bài phát biểu hôm 3/9. “Các biện pháp mà chúng tôi đã thực hiện cho đến nay đã đưa nước Mỹ thoát khỏi tình trạng nền kinh tế rơi tự do”, ông Biden nhắc đến các gói cứu trợ của chính phủ bao gồm gói 1,9 nghìn tỷ USD mà ông phê duyệt ngay sau khi tiến vào Nhà Trắng.
Tuyên bố của ông Biden về “nền kinh tế bền vững và mạnh mẽ” đi ngược lại những số liệu do Bộ Lao động đã báo cáo trước đó rằng tốc độ tuyển dụng việc làm trong thị trường lao động Mỹ đã đột ngột giảm vào tháng 8. Cụ thể, mức tăng việc làm biên chế khu vực phi nông nghiệp chỉ đạt 235.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích. Nguyên nhân được cho là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại với số ca nhiễm mới tăng nhanh do biến thể Delta dễ lây lan, khiến các nhà tuyển dụng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Chưa kể tới chương trình nghị sự kinh tế với gói chi tiêu có tổng trị giá 3,5 nghìn tỷ USD mà ông Biden và các nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ dự kiến đưa ra Quốc hội vào mùa thu này cũng đang vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sĩ, trong đó có cả một thành viên chủ chốt của Đảng Dân chủ - Thượng nghị sĩ Tây Virginia Joe Manchin. Trong khi đó, ể gói chi tiêu được thông qua, các nhà lãnh đạo của đảng Dân chủ cần tất cả nghị sĩ trong Đảng ủng hộ để vượt qua quan điểm đối lập của phía Đảng Cộng hòa.
Tổng thống Mỹ Biden cho rằng các gói chi tiêu có tổng trị giá 3,5 nghìn tỷ USD mà chính phủ của ông xây dựng trong 7 tháng qua là một sự đầu tư vào tương lai dài hạn của nước Mỹ, để duy trì động lực tăng trưởng mang tính lịch sử của Mỹ chứ không phải để kích thích sự phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Để có nguồn ngân sách đủ chi cho gói chi tiêu khổng lồ như vậy, ông Biden đã đề xuất các kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp và nhóm người giàu.
Dù không chỉ đích danh Thượng nghị sĩ Manchin, ông Biden ngỏ ý đổ lỗi cho các nhà vận động hành lang tại các tập đoàn lớn cũng như nhóm người giàu có vì đã “ngăn cản sự tiến bộ về luật pháp”. Ông kêu gọi người Mỹ “đoàn kế với nhau” để ủng hộ đạo luật mà theo ông sẽ định hình lại nền kinh tế Mỹ. “Chỉ khi các tập đoàn và những người giàu bắt đầu nộp thuế một cách công bằng, hàng triệu người sẽ được hưởng lợi”.
Trước đó, hồi tháng 4 năm nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề xuất tăng thuế doanh nghiệp từ 21% lên 28%, động thái tăng thuế đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ ở Mỹ. Đề xuất tăng thuế là một cách tiếp cận của chính quyền Biden nhằm tài trợ cho gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá gần 2 nghìn tỷ USD trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nhưng ở thời điểm đó, rất ít chính khách ở Washington, kể cả các quan chức trong Nhà Trắng của ông Biden thực sự nghĩ rằng mức tăng thuế sẽ được nhất trí ở 28%.
Theo một Ủy ban phi lợi nhuận có trách nhiệm với Ngân sách Liên bang, việc tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% dự kiến sẽ tạo ra 850 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Số tiền đó, chính quyền Biden muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tái cơ cấu nền kinh tế Mỹ, giảm bất bình đẳng cũng như xây dựng nguồn lực nội tại vững chắc hơn chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Gói đầu tư mà chính quyền ông Biden đề xuất bao gồm xây dựng cầu đường, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người cao tuổi và nhiều hạng mục khác.
Đến tháng 5, ông Biden tiếp tục công bố đề xuất đánh thuế tài sản gia tăng gần gấp đôi với những người Mỹ giàu để tài trợ cho Kế hoạch Gia đình Mỹ trị giá 1,8 nghìn tỷ USD. Trong một bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ, Tổng thống Biden nhấn mạnh những người Mỹ giàu có sẽ là người phải gánh phần thuế để đảm bảo công bằng xã hội. Số tiền tăng thu ngân sách sẽ được sử dụng như một phần tài trợ cho Kế hoạch Gia đình Mỹ, bao gồm khoản chi 1 nghìn tỷ USD trong 1 thập kỷ cho các trợ cấp giáo dục, chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có lương… cùng 800 tỷ USD khác cho các khoản tín dụng mở rộng.