Nguy cơ vỡ đê, Cà Mau ban bố tình huống khẩn cấp
Tuyến đê sạt lở có 4 đoạn đặc biệt nguy hiểm. Trong đó, đoạn từ Hương Mai - Tiểu Dừa (xã Khánh Tiến, U Minh) có hai vị trí dài 610 m và 315 m; đoạn từ Ba Tỉnh - T25 (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời) dài 1.900 m và đoạn đê thuộc xã Khánh Hải và Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời) dài 500 m.
"Trên các đoạn này không còn rừng phòng hộ bên ngoài bảo vệ đê. Khi thời tiết cực đoạn diễn ra, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. Nguy cơ gây vỡ đê rất lớn nên cần bảo vệ khẩn cấp", ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau nói.
Ông Nam cho biết, Sở đang lập thủ tục đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt để nhanh chóng khắc phục sạt lở. Đơn vị này cũng phối hợp UBND huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh thiết lập hành lang an toàn khu vực bị sạt lở. UBND huyện Trần Văn Thời và U Minh sẽ vận động, sơ tán người dân vào nơi an toàn.
Toàn tỉnh Cà Mau có hơn 250 km đường bờ biển. Trong đó, tuyến đê biển Tây có vai trò ngăn mặn, bảo vệ 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp trong vùng ngọt hóa của hơn 26.000 hộ dân. Từ năm 2007 đến nay, tình trạng sạt lở khiến địa phương này đã mất khoảng 9.000 ha rừng phòng hộ.
Hồi đầu tháng 8, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, nhiều đoạn đê biển Tây của tỉnh này bị sóng biển đánh sạt lở rất nghiêm trọng. Ngành nông nghiệp đề xuất công bố tình huống khẩn cấp để tập trung ứng phó.
Tháng 9/2019, Cà Mau cũng ban bố tình huống thiên tai khẩn cấp và triển khai hàng loạt biện pháp bảo vệ tuyến đê biển Tây.
Trong khi đó, đoạn đê biển Tây qua Kiên Giang vừa qua cũng sạt lở 700 m. Kiên Giang đã công bố tình trạng sạt lở đê nghiêm trọng, giao các sở ngành khắc phục.